Hiện nay, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa nắng mưa xen kẽ bất thường, độ ẩm tăng cao ảnh hưởng sinh trưởng phát triển của đàn gia cầm, làm giảm sức đề kháng. Từ đó mầm bệnh có cơ hội phát sinh gây bệnh.
Bệnh cúm gia cầm có thể mắc trên mọi loại gia cầm ở nhiều lứa tuổi, lây lan nhanh. Tỷ lệ gia cầm ốm và chết cao có thể lên tới 100%, có thể lây sang người. Khi mắc bệnh, gia cầm có biểu hiện sốt cao, ủ rũ, ho khẹc, chảy nước mắt nước mũi, mào tích tím tái, xuất huyết dưới da đặc biệt là da chân, tiêu chảy nặng, có biểu hiện thần kinh...
Giai đoạn chuyển mùa, gia cầm dễ mắc bệnh. |
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đã đưa ra một số lưu ý, hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chăm sóc đàn gia cầm trong giai đoạn chuyển mùa.
Vệ sinh hàng ngày trong, ngoài chuồng nuôi, quét dọn, thu gom xử lý rác và chất thải. Rửa sạch chuồng trại, dụng cụ bảo hộ lao động bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Giữ cho chất độn chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, khi bị ướt cần phải thay thế ngay.
Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh không để nước đọng ở khu vực chăn nuôi. Định kỳ 1 lần/tuần tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi bằng các hóa chất khử trùng như vôi bột, Bencocid, Iodine, BKA…
Cách ly khu vực chuồng nuôi với nơi ở của người và động vật khác bằng hàng rào, vách ngăn xung quanh, bạt che chắn. Cửa ra vào có khóa, bố trí hố hoặc khay sát trùng trước cửa ra vào chuồng nuôi.
Con giống phải sạch bệnh, giống mới mua về phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần ở chuồng, khu cách ly. Đối với gia cầm non luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, đủ nhiệt độ trong chuồng nuôi, nên dùng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Đặc biệt chú ý khi thay đổi thức ăn cho đàn vật nuôi phải thay đổi từ từ mà vẫn phải đảm bảo về dinh dưỡng cho từng loại vật nuôi.
Đảm bảo đủ nước uống cho vật nuôi. Khi thời tiết thay đổi phải bổ sung thêm điện giải, Bcomplex, vitamin, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Khi thời tiết chuyển lạnh cần cho vật nuôi uống nước ấm, tăng nhiệt độ chuồng nuôi, bổ sung chất độn chuồng. Đối với gia cầm chăn thả nên thả ra vườn, bãi chăn thả muộn và cho vào chuồng sớm.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện những con có biểu hiện bất thường nuôi cách ly theo dõi và điều trị. Chủ động khai báo và chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải chấp hành tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y, “Tuyệt đối không được bán chạy” gia cầm ốm, chết.
Cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa đặc biệt là vào ban đêm. Chủ động sưởi ấm cho đàn vật nuôi nhất là gia súc, gia cầm non.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho từng giai đoạn, từng loại vật nuôi theo đúng lịch nhằm tăng khả năng miễn dịch chống lại bệnh dịch cho đàn vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những con bị bệnh.
Vĩnh Sang