Từ đầu năm đến nay, Thái Bình là tỉnh thứ 4 trong cả nước phát hiện cúm gia cầm A/H5N8.

Ngày 18/7/2021, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương) với tổng đàn gia cầm 3.411 con, nuôi thả trong khu chuyển đổi ngoài cánh đồng.

Toàn bộ đàn gia cầm đã được ngành chức năng tổ chức tiêu hủy vào ngày 19/7 theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện rất lớn, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết nắng nóng, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm tại các địa phương trong tỉnh còn thấp nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là rất lớn.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 vào sáng 21/7.

Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thành phố khẩn trương rà soát đàn gia cầm Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ từ 80% trở lên; sử dụng các loại vắc-xin cúm gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam có hiệu quả bảo hộ với chủng cúm gia cầm A/H5N6 để tiêm phòng.

Đối với vùng dịch, các địa phương khi có dịch xảy ra và các địa phương thuộc vùng dịch uy hiếp, vùng đệm, các nơi có nguy cơ cao cần khẩn trương tổ chức tiêm vắc-xin cúm gia cầm phòng bệnh cho toàn đàn gia cầm để bảo đảm miễn dịch chủ động, đồng bộ.

Tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (các địa bàn giáp ranh, địa phương đã từng xảy ra dịch CGC...) để gửi Cục Thú y xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh và kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút CGC, chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường thông tin, tuyên truyền người dân chủ động giám sát gia cầm; kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; giám sát chặt chẽ dịch bệnh tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra theo quy định.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND tỉnh xuất hóa chất hỗ trợ các địa phương khi có dịch bệnh phát sinh.

Các địa phương tập trung nguồn lực phòng, chống dịch bệnh. Các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của ngành chuyên môn và quy định của Luật Thú y.

Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, không có nguồn gốc vào địa bàn. Quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trên địa bàn và yêu cầu không mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Bạch Hân