Là một trong 28 tỉnh, thành phố trong cả n­ước giáp biển, Thái Bình có bờ biển dài 54km, với 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều rộng trên 16.000ha, vùng thềm lục địa của tỉnh rộng trên 1 vạn km2.

Với lợi thế địa lý đặc biệt thuận lợi như vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia.

{keywords}
Ảnh minh họa: Khu vực nuôi ngao tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tích cực bảo vệ chủ quyền biển từ sớm, từ xa

Cũng như nhiều địa phương có biển, thời gian qua Thái bình đã nghiêm túc thực hiện Đề án tổng thể về tuyên truyền bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Cụ thể, các công trình quân sự phòng thủ ven biển trên địa bàn hai huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, lực lượng dân quân tự vệ, công an, quân sự ở các xã ven biển được củng cố, xây dựng; công tác huấn luyện bảo đảm chặt chẽ, có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Tại Thái Bình đã hình thành, củng cố các trung đội dân quân tự vệ, ban công an xã, tổ tự quản an ninh, trật tự, tổ tự quản về an toàn giao thông; đội bảo vệ rừng ở các xã, thị trấn và cơ quan thuộc khu vực ven biển; duy trì giao ban, trao đổi định kỳ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồn biên phòng.

Nhờ đố, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội ở khu vực ven biển của tỉnh được tăng cường. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với củng cố an ninh - quốc phòng, giữa quân và dân được chú trọng và nâng cao.

Cùng với việc bảo vệ an ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội ven biển, các lực lượng công an, quân sự, biên phòng tích cực tổ chức lực lượng, tham gia có chất lượng các cuộc diễn tập và thực hiện phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn trên sông, trên biển; kêu gọi, ngăn chặn, cưỡng chế hàng nghìn lượt phương tiện vào nơi tránh trú an toàn, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phục vụ nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn giữa cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh với các tàu khai thác hải sản nhằm bảo vệ cho ngư dân sản xuất và kịp thời thông tin, xử lý những tình huống trên biển.

Đặc biệt, việc hoàn thành Dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng ở khu vực Cồn Vành đạt hiệu quả thiết thực, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế thủy sản và du lịch biển, vừa góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng trên hướng phòng thủ chủ yếu.

Công tác bảo vệ và phát triển các khu rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn ven biển được tăng cường thông qua hợp tác, phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương và các tổ chức quốc tế trong hoạt động điều tra, khảo sát và bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái biển và ven biển theo hướng bền vững. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển; triển khai việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, bảo vệ... Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu đã được quan tâm. Hàng năm tổ chức ít nhất 1 cuộc diễn tập phòng, chống, lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời khi có sự cố xảy ra.

Hiện Thái Bình đã xây dựng được 15 điểm quan trắc nước biển ven bờ, thường xuyên thực hiện lấy mẫu, quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường nước biển ven bờ của tỉnh, từng bước đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động đối với các dự án đầu tư sản xuất có nguồn gây ô nhiễm lớn và các hệ thống sông lớn trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước biển.

Tận dụng thế mạnh biển để phát triển bền vững

Thái Bình đang nỗ lực biến tiềm năng kinh tế biển thành mũi đột phá trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bằng việc tập trung thực hiện hiệu quả Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28-10-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tỉnh đã bắt tay xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực. Phát triển không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là khai thác cảnh quan sông, khu vực cửa sông - biển, dải bờ biển, phù hợp với điều kiện văn hóa - xã hội; tăng cường hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên, phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển, du lịch vui chơi giải trí cao cấp (golf, casino); kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập mặn và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của Khu kinh tế Thái Bình. Kết nối du lịch Khu kinh tế Thái Bình với các hành trình du lịch nổi tiếng trong vùng bằng đường thủy, đường biển, đường hàng không (thủy phi cơ). Hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hiện đại, đẳng cấp tại các khu vực Cồn Đen, Cồn Thủ, Cồn Vành. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch.

Việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có năng suất, chất lượng cao, cũng đã được tính đến. Hiện quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Đô, Nam Thịnh, Nam Hưng. Mô hình này còn góp phần bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Với tinh thần quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc, bài bản chiến lược biển, không xa nữa, Thái Bình sẽ sớm thực hiện thành công khát vọng phát triển bền vững nhờ có Khu kinh tế biển được đầu tư xây dựng qui mô, chất lượng.

Vũ Thư