Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm triển khai thường xuyên, lâu dài nên việc tổ chức thực hiện tốt kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

{keywords}
Giai đoạn 2018 – 2020, tổng nguồn huy động thực hiện Chương trình OCOP của Thái Bình ước trên 19 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 16/10/2019 của UBND tỉnh Thái Bình về việc ban hành Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân liên kết với nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm đặc thù theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2018 – 2020, tổng nguồn huy động thực hiện Chương trình OCOP ước khoảng trên 19 tỷ đồng.

Đến hết năm 2020, tỉnh Thái Bình có 16 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình; số lượng và cơ cấu sản phẩm được chuẩn hóa là 16 sản phẩm; sản phẩm được đánh giá, phân loại là 16 sản phẩm.

Hiện nay, Thái Bình được Trung ương chọn là địa phương tham gia Kế hoạch khung chỉ đạo điểm là triển khai Chương trình OCOP với hai sản phẩm Bánh cáy làng Nguyễn và Bánh đa Quỳnh Côi.

Ngày 9/4/2021, UBND tỉnh Thái Bình ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh năm 2021. Mục tiêu kế hoạch nhằm khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn cho 39 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Phấn đấu toàn tỉnh có trên 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với các đối tác tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ, cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại điện tử...

Tỉnh chú trọng nâng cấp các sản phẩm đặc trưng của địa phương thành sản phẩm chủ lực có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ. Củng cố tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương và phát triển các sản phẩm đó.

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về các nội dung của Chương trình OCOP cho cán bộ các cấp, chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Chú trọng hướng dẫn triển khai lập phương án sản xuất kinh doanh, tập huấn bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; công tác quản lý chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị...

10 tháng đầu năm 2021, dù tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng tỉnh Thái Bình vẫn đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm và tổ chức các hoạt động chuyên đề về Chương trình OCOP. Ttìm kiếm ý tưởng, hỗ trợ phát triển sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Thái Bình và hướng dẫn các huyện, thành phố, các tổ chức kinh tế xây dựng các điểm bán hàng OCOP theo quy định.

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Minh Phúc