Dịch bệnh trên đàn gia súc tác động đến sự phát triển của ngành chăn nuôi, gây thiệt hại cho người nông dân. Để phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất các ổ dịch tái phát cũng như kiểm soát các loại bệnh dịch mới, nhất là vào thời điểm giao mùa, các sở, ban, ngành, các địa phương của tỉnh Thái Bình đã và đang tăng cường công tác phòng dịch bệnh theo quy định.

{keywords}
Tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. 

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm chủ động ngăn chặn, tiêu diệt các chủng virus gây bệnh nguy hiểm trên gia súc bằng biện pháp cắt đứt đường truyền lây của virus trên quần thể đàn gia súc và trong môi trường; đảm bảo cho môi trường chăn nuôi an toàn, góp phần tích cực khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc diễn ra từ ngày 25/10 đến 25/11/2021. Trong đó, thực hiện khử trùng, tiêu độc bằng hoá chất toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi hoặc sử dụng vôi bột, vôi nước để rắc, phun vùng phụ cận; các phương tiện vận chuyển... trước khi ra, vào trại chăn nuôi.

Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt và vùng phụ cận hoặc sử dụng vôi bột, vôi nước để rắc, phun vùng phụ cận mỗi tuần 01 lần. Cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh khử trùng thường xuyên trước và sau sơ chế, chế biến giết mổ thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chợ, địa điểm thu gom buôn bán gia súc và khu vực xung quanh...

Để phục vụ cho Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng thành công, UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ các địa phương hóa chất; đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ động nguồn kinh phí mua vôi bột, dụng cụ, bảo hộ để triển khai thực hiện.

Việc thực hiện đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn diện, tập trung nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường. Hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát, lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, tai xanh ở lợn... Tiến tới khống chế dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho ngành chăn nuôi.

Gia đình ông Trần Thanh Tuân ở huyện Quỳnh Phụ đang nuôi 30 con lợn 5 con bò thịt. Dự kiến số gia súc này sẽ được xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán. Ngay từ khi nhập giống mới về nuôi, ông đã chú trọng công tác chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng.

Chuồng nuôi nhốt gia súc được tẩy uế, vệ sinh thường xuyên. Ông chủ động tiêm phòng các loại bệnh, đồng thời bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Hiện đàn gia súc của ông Tuân khỏe mạnh, phát triển đều.

Mạnh Hưng