Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố ngày 11/11 rằng Thái Lan sẽ dùng đàm phán song phương với Campuchia để quyết định cách thức làm việc sau khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ra phán quyết Phnom Penh có chủ quyền đối với khu vực đền cổ Preah Vihear mà hai nước tranh chấp lâu nay.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại cuộc họp báo về phán quyết của ICJ.

Bà Yingluck cho biết, các nhà chức trách Thái Lan cùng các cố vấn sẽ ngồi lại bàn bạc về chi tiết phán quyết của ICJ trước khi đối thoại với phía Campuchia.

"Thái Lan sẽ bước vào đàm phán với Campuchia để khép lại vấn đề này", nữ Thủ tướng Thái nhấn mạnh, nói thêm rằng các cuộc đối thoại sẽ không vi phạm hiến pháp Thái Lan mà nằm trong lợi ích quốc gia và tinh thần của ASEAN. "Tôi hy vọng tất cả mọi người dân Thái hãy tin chính phủ sẽ nỗ lực tốt nhất trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia", bà Yingluck nói thêm tại một cuộc họp báo.

{keywords}
Cảnh sát chống bạo loạn ở Bangkok sẵn sàng cho các cuộc đụng độ với người biểu tình chống chính phủ sau quyết định của ICJ về đền cổ Preah Vihear.

Bà Yingluck tuyên bố "hài lòng" với phán quyết của ICJ, cho rằng phán quyết này phần nào "có lợi" cho Thái Lan, nhấn mạnh rằng tòa đã không ra phán quyết đối với những điểm tranh chấp xung quanh Preah Vihear mà thay vào đó đề nghị Thái Lan cùng Campuchia hợp tác thông qua các cơ chế song phương hiện hành để giải quyết tranh chấp.

Theo bà Yingluck, sau phán quyết trên, hai nước sẽ cùng trông coi đền Preah Vihear và các khu vực phụ cận thông qua sự giúp đỡ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

{keywords}
Người dân Thái Lan gần đền cổ Preah Vihear xây lại boongke bêtông. Phía trên họ đặt cặp tượng linh nhi Kuman Thong để cầu xung đột không nổ ra.

Cuộc họp báo của nữ Thủ tướng Thái diễn ra sau khi trong cùng ngày, ICJ tuyên bố khu vực quanh Preah Vihear thuộc chủ quyền của Campuchia và Thái Lan phải rút quân đội và cảnh sát ra khỏi đền cổ này.

"Tòa án nhất trí ra phán quyết Campuchia có chủ quyền đồi với toàn bộ khu đất của đền Preah Vihear", Peter Tomka, người đứng đầu ICJ, thông báo. Đây là phán quyết bắt buộc nên các bên không được kháng cáo.

{keywords}
Đền Preah Vihear được công nhận là Di sản Thế giới hồi năm 2008

Hồi năm 1962, ICJ từng đưa ra phán quyết về Preah Vihear nhưng khi đó chỉ trao cho Campuchia chủ quyền với ngôi đền mà không nhắc đến vùng đất xung quanh rộng 4,6 km2 đang nằm dưới sự kiểm soát của Thái Lan. Do vậy, cả hai nước đều nhận chủ quyền đối với vùng đất này, dẫn tới nhiều vụ đụng độ quân sự gây thương vong cho cả hai bên.

Sau phán quyết mới của ICJ, các nhà chức trách và người dân Campuchia tỏ ra hài lòng, cho rằng điều này là "công bằng và chấp nhận được".

{keywords}
Nhiều người Campuchia sống gần đền cổ Preah Vihear đào hầm phòng xung đột xảy ra sau phán quyết của ICJ.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Nam Hong tỏ sự hài lòng tuy thừa nhận phán quyết của ICJ có thể chưa đáp ứng được 100% mong muốn của Campuchia. Trong khi đó, Phay Siphan - phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia - nói rằng hai nước cần có thiện chí chính trị để tuân thủ phán quyết mới, tránh đụng độ quân sự.

Thanh Hảo (Tổng hợp)