Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, được các cấp, các ngành của tỉnh Thái Nguyên triển khai quyết liệt, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi. 

Chính sách giảm nghèo đã được tỉnh Thái Nguyên cụ thể hóa bằng nhiều chỉ tiêu, nhiều hoạt động. Cụ thể: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số và người nghèo. Trợ cấp xã hội cho học sinh vùng khó khăn. Hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

anh man hinh 2024 01 03 luc 212933.png
Giảm nghèo đa chiều, tiến tới giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số. 

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng công tác hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực, từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Theo kế hoạch của tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, toàn tỉnh đặt mục tiêu sẽ giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó có 3.365 hộ nghèo và 1.346 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Tính đến thời điểm này, kết quả giảm nghèo tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt kế hoạch đề ra với tỷ lệ giảm 1% số hộ nghèo, giảm 0,4% số hộ cận nghèo và giảm 2% hộ nghèo là dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai nhân rộng 20 mô hình sinh kế, hỗ trợ ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nâng cao về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm…

Trong những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo về phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Tiến Dũng và nhóm PV, BTV