Áp dụng công nghệ vào sản xuất chè
Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, hơn chục năm trở lại đây các thương hiệu chè của Thái Nguyên đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Đặc biệt, kể từ Festival chè lần đầu tiên được tổ chức năm 2011, qua 12 năm thương hiệu chè Thái Nguyên, nhất là các loại chè hữu cơ, chè Shan tuyết hay chè đen đặc sản đã trở nên thân thuộc và được biết đến nhiều hơn.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhu cầu về thực phẩm hằng ngày phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhằm đáp ứng đòi hỏi đó, các sản phẩm trà-thức uống hằng ngày của người dân ngày càng được nâng cao về chất lượng trong đó có các loại trà. Từ nhu cầu của thị trường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện các mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGap cho các HTX. Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh Thái Nguyên đã thí điểm được 59 ha chè hữu cơ với sự tham gia của 6 HTX và tổ hợp tác (gần 200 hộ dân) ở hầu hết các vùng sản xuất chè trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất mới, các quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ có yêu cầu cao hơn từ canh tác, chăm sóc, thu hái cho tới chế biến, bảo quản và đóng gói. Chính vì vậy, ngay từ các vùng nguyên liệu và HTX được chọn sản xuất thí điểm chè hữu cơ cũng được lựa chọn. Theo ông Đỗ Văn Khang, xã viên HTX sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn (xã La Bằng, huyện Ðại Từ) cho biết: Sau khi được cán bộ khuyến nông tập huấn, cầm tay chỉ việc từ tháng 10/2022 đến nay, 6 ha chè hữu cơ của gia đình ông đã được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Nâng cao giá trị của cây chè
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên Hà Trọng Tuấn, thời gian đầu chuyển sang sản xuất hữu cơ, cây chè chưa thích nghi với phân bón hữu cơ, dẫn đến năng suất giảm. Năng suất giảm khiến thu nhập của người dân cũng giảm theo khiến nhiều xã viên nghi ngại và không mấy tin tưởng. Tuy nhiên, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây chè phục hồi trở lại và phát triển nhanh; năng suất trung bình tăng gần 400 kg chè tươi/ha, giá bán chè búp tươi cao hơn từ 20-50 nghìn đồng/kg...
“So với các HTX khác, chúng tôi bắt đầu sản xuất chè hữu cơ muộn hơn. Cụ thể, từ 2021 nhiều HTX tại Tân Sơn đã bắt đầu triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ. Tuy nhiên, năng suất ban đầu chưa như kỳ vọng, nhiều hộ nông dân cảm thấy quy trình cũng khá “rườm rà” nên không mấy hứng thú. Tuy nhiên, khi doanh thu của chè hữu cơ cao hơn chè thường (từ 45 triệu đồng/ha năm 2021, lên 58 triệu đồng/ha năm 2022); giá trị sản phẩm chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tăng từ 15-37% so với sản xuất đại trà nên nhiều HTX đã xin đăng ký tham gia”, ông Khang cho biết thêm.
Được biết, từ thành công của sáu mô hình chè hữu cơ đầu tiên với gần 60 ha chè đạt tiêu chuẩn, hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đang triển khai tiếp 7 mô hình sản xuất chè hữu cơ diện tích 40 ha với sự tham gia của 7 HTX trên địa bàn tỉnh. Ðây là những nhân tố thúc đẩy, lan tỏa phương thức sản xuất mới - sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Các HTX đăng ký tham gia có thể kể tới như: HTX Chè Khe Cốc 2 (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) muốn trồng và xuất khẩu chè sang Cộng hòa Séc; HTX Trà Tuất Thoi liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX Trà La Bằng đưa chè đi châu Âu; Tổ hợp tác chè hữu cơ La Cút (xã La Bằng, huyện Ðại Từ) ký kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần chè Hà Thái đưa chè đi Nhật Bản...
Thực tế, qua 3 năm triển khai mở rộng diện tích và quy mô các HTX chè hữu cơ, hệ sinh thái các nương chè thay đổi rõ rệt, môi trường sản xuất và môi trường sống trong lành; cây chè khỏe, sinh trưởng tốt, năng suất ổn định, sản phẩm sạch; qua đó, nâng cao sức khỏe cho chính người lao động, sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội thông qua quá trình canh tác an toàn, thân thiện môi trường. Đặc biệt, những khu vực áp dụng mô hình chè hữu cơ dần trở thành các điểm tham quan du lịch sinh thái cho du khách cả nước khi đến với thủ phủ trà Thái Nguyên.
Chính nhờ tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Thái Nguyên đang vươn lên là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế trên mỗi ha chè cao nhất cả nước. Tỉnh uỷ Thái Nguyên xác định, chè là cây trồng có thế mạnh, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đang mang lại thu nhập thường xuyên cho khoảng 50% số hộ trên địa bàn. Do vậy, Thái Nguyên đã và đang dồn lực đầu tư mở rộng diện tích nhất là diện tích chè hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu để mang lại giá trị cao cho cây chè, từ đó mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.