Tạo dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, tiến bộ, làm tốt nghĩa vụ công dân, đoàn kết với xóm giềng, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa... là những tiêu chí cơ bản của một gia đình văn hóa. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập thế giới và công nghệ thông tin bùng nổ, tổ ấm gia đình đang đứng trước nhiều thách thức. Vì thế, việc nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa càng trở nên thiết thực.
Thời gian qua, các thế hệ cán bộ, nhân dân Thái Nguyên luôn tích cực triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng “hạt nhân của xã hội” phát triển lành mạnh, văn minh. Nhờ đó, đến nay, theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 333.300 hộ cư trú tại hơn 2.250 xóm, tổ dân phố; 177 xã, phường, thị trấn. Hằng năm, số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đạt bình quân khoảng 98%, nhiều khu dân cư có 100% số hộ đăng ký tham gia. Kết quả bình xét thi đua năm 2023, có hơn 94% hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa.
Cái gốc của gia đình chính là gia phong có nền nếp, nhưng trong xã hội hiện đại, quyền bình đẳng, tự do của mỗi người được đề cao. Phía sau mặt tích cực còn có không ít những hệ luỵ ảnh hưởng đến xã hội, cụ thể là tình trạng ly hôn gia tăng, chủ yếu ở giới trẻ. Theo đó, có những mô hình gia đình mới được thiết lập, như gia đình đa huyết thống; gia đình đa chủng tộc; gia đình đơn thân nuôi con…
Trong mỗi gia đình, các thành viên cần có sự thích ứng phù hợp, thông hiểu để có thái độ ứng xử linh hoạt, không để “cái sảy nảy cái ung”, cảm thông để cùng nhau tạo dựng hạnh phúc gia đình; từ đó mới phát huy được giá trị tích cực của “hạt nhân xã hội”. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin, tiện ích của các thiết bị điện tử trở thành ma lực hấp dẫn, kéo các thành viên trong gia đình ra xa nhau hơn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan Trường trực Ban Chỉ công tác gia đình của tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Đơn vị này đã lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ và phường Mỏ Chè, TP Sông Công. Sau đó tổ chức tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh vào tháng 4/2023.
Điều trân quý là Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2022 được đông đảo nhân dân trong tỉnh hào hứng đón nhận, coi đó như một cẩm nang giúp các thành viên trong gia đình ứng xử với nhau có chuẩn mực văn hóa hơn. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Mục đích của Bộ tiêu chí nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình bao gồm các nội dung chính: tiêu chí ứng xử chung; tiêu chí ứng xử của vợ, chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.
Bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương chia sẻ: Không có thành viên nào trong gia đình muốn tổ ấm của mình bị đổ vỡ. Cốt lõi gìn giữ tổ ấm là cách ứng xử có văn hóa, biết tôn trọng nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Hiện nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thẩm thấu sâu vào tư duy, nếp nghĩ của mỗi người dân. Hằng năm, từng gia đình dựa trên tiêu chí tự chấm điểm; ban công tác mặt trận xóm, tổ dân phố bình xét nghiêm túc, không nể nang.
Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, với hộ chưa đạt vì một số lý do như vợ chồng xảy ra xô xát, trong nhà có bạo lực hoặc tệ nạn xã hội được nhắc nhở, động viên khéo léo. Những hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa điển hình được khen thưởng công khai. Với mỗi gia đình, đó còn là niềm tự hào, hãnh diện. Chính vì thế, chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng được nâng cao.