Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 1 bệnh viện hạng đặc biệt tuyến trung ương, 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 24 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương, hơn 170 trạm y tế tuyến xã, 8 trạm y tế cơ quan, đơn vị, trường học và nhiều cơ sở y tế tư nhân. Việc quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh luôn được Thái Nguyên ưu tiên hàng đầu.

Bác sĩ Trương Mạnh Hà – Phó giám đốc Bệnh viện A, Thái Nguyên cho biết, công tác quản lý chất thải y tế được bệnh viện thực hiện nghiêm chỉnh. Các loại chất thải rắn đều được phân loại ngay từ nguồn. Ví dụ chất thải nguy hại được bỏ vào thùng màu vàng đậy kín. 

Khi vận chuyển ra khu vực nhà rác lưu trữ được đóng vào túi nilon hai lớp và đưa về nhà rác theo xe chuyên dụng, khóa cửa và bàn giao cho đơn vị xử lý.

Các loại chất thải thông thường cũng được thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Môi trường và thông tư 02 năm 2022. Hiện nay, Bệnh viện A cũng tích cực đẩy mạnh giảm chất thải nhựa trong cơ sở y tế. Các hoạt động đều giảm sử dụng đồ nhựa, phân loại rác thải nhựa tại nguồn có thể tái chế.

Còn tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, từ năm 2015, bệnh viện được tham gia “Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” do Ngân hàng Thế giới tài trợ và đã có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế và tự xử lý loại chất thải này ngay tại chỗ.

Mỗi ngày số rác thải nguy hại từ công tác khám chữa bệnh khoảng 200kg. Bệnh viện đã thực hiện nghiêm ngặt từ khâu thu gom, phân loại. Các chất thải này được xử lý bằng công nghệ vi sóng. 

Theo bác sĩ Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, lượng chất thải y tế nguy hại của bệnh viện không nhiều, dưới 10kg. Bệnh viện đều thực hiện tốt phân loại ngay từ khoa, phòng. Các chất thải sắc nhọn, giải phẫu, lây nhiễm không sắc nhọn đều được để theo quy định của Bộ Y tế.

Sau đó, chất thải y tế nguy hại sẽ được tập kết tại vị trí thu gom rác thải và đơn vị được bệnh viện đã ký hợp đồng sẽ thực hiện vận chuyển xử lý rác thải y tế nguy hại theo đúng quy định.

rac t6hai.png
Các hướng dẫn quy định rác thải tại bệnh viện được quy định theo Thông tư 02/2022/BYT. 

Năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quy định về việc thu gom chất thải y tế rắn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thu gom chất thải rắn y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải rắn y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng. Chất thải rắn y tế thông thường được chuyển giao cho đơn vị chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Với chất thải y tế nguy hại, cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế.  Dụng cụ thu gom chất thải phải đảm bảo kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom. Chất thải phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.

Chất thải phải xử lý sơ bộ gần nơi phát sinh để loại bỏ mầm bệnh bằng dung dịch khử khuẩn hoặc các thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi, lưu giữ riêng biệt tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định.

Đối với các chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế. Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp, tránh rò rỉ.

Nếu cơ sở y tế tự xử lý chất thải y tế nguy hại phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định. Còn cơ sở y tế không đủ điều kiện xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ phải thuê đơn vị có giấy phép môi trường có đầy đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại. Các cơ sở y tế đều phải thực hiện báo cáo kết quả thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế định kỳ. 

Duy Khánh và nhóm PV, BTV