Tỉnh Thái Nguyên có 110 xã/177 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có 11 xã vùng III (đặc biệt khó khăn), 10 xã vùng II và 99 xã vùng I. Từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ cho vùng dân tộc thiểu số. 

Trong đó, Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành tháng 8/202 là cơ sở quan trọng cho công tác tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng thời, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng các trường dân tộc nội trú để nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nguồn cán bộ.

10291573 1110 thai nguyen 22 10 11.jpg
Tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm công tác đào tạo cán bộ vùng dân tộc thiểu số. 

Quyết định này đã quy định cụ thể vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, vùng tạo nguồn thuộc địa bàn tuyển sinh là các xã, phường, thị trấn khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối tượng tuyển sinh: Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư 03 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở các xã, phường, thị trấn khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho biết, không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dân tộc nội trú, tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho các trường dân tộc nội trú bằng 20% mức lương cơ sở để đảm bảo chi phí sinh hoạt cho các em học sinh sinh hoạt tại nhà trường.

Đồng thời, việc quan tâm thực hiện chính sách cử tuyển thời gian qua cũng được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Chính sách cử tuyển của tỉnh Thái Nguyên tập trung ở những địa bàn đặc biệt khó khăn và ưu tiên đối với đối tượng người dân tộc thiểu số có ít người làm công chức, viên chức trong các cơ quan.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề đào tạo trình độ đại học. Căn cứ vào báo cáo đề xuất của các địa phương và các quy định hiện hành, UBND tỉnh xây dựng, đề xuất chi tiêu cử tuyển với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, thống nhất với các trường đại học có sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển để họ trở về địa phương, bố trí công tác phù hợp...

Hiệu quả của công tác đào tạo cán bộ nguồn dân tộc thiểu số thời gian qua đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, tới đây, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số gắn liền đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số để từng bước đưa địa bàn vùng khó của tỉnh vươn lên.

Khánh Vy