Từ cuối tháng 4.2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp UBND huyện Đại Từ và một số đơn vị thí điểm mô hình “Chợ 4.0” - khu chợ hoàn toàn không dùng tiền mặt - tại chợ trung tâm huyện Đại Từ.
Đây là mô hình nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.
Chợ trung tâm Đại Từ là khu chợ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình chợ số 4.0 với nền tảng mobile money, dịch vụ cho phép người dân mua bán, chuyển tiền và thanh toán không sử dụng tiền mặt một cách thuận tiện, an toàn, bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.
Ông Lê Thế Bân (kinh doanh tại chợ Trung tâm Đại Từ) cho biết, mỗi tiểu thương được hướng dẫn tạo một mã QR. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây.
Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm đã có hơn 300 tiểu thương tạo mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm 80% tổng số tiểu thương; hơn 3.000 giao dịch phát sinh hàng tháng với số tiền hàng tỷ đồng.
Cùng với chợ Đại Từ, mô hình chợ 4.0 còn được Thái Nguyên triển khai tại 11 chợ truyền thống khác trên địa bàn gồm La Bằng, Đu, Thái, Đán, Chu, Tân Khánh, Quang Vinh, Đồng Quang, Quan Triều, Ba Hàng và Phúc Thuận.
Khi tham gia “Chợ 4.0”, tiểu thương và người dân cần có Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và số điện thoại chính chủ, sẽ được nhân viên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money hỗ trợ tạo tài khoản ví điện tử và hướng dẫn sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt.
Sau đó, tại các “Chợ 4.0”, người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mua hàng bằng quét mã QR qua tài khoản Viettel Money, VNPT Money, tài khoản của các ngân hàng. Việc quét mã QR để thanh toán giúp cho người dân tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách.
Mô hình chợ 4.0 nói trên nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Mô hình này được kỳ vọng là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số tại tỉnh Thái Nguyên.
Theo ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ trung tâm Đại Từ đang được triển khai rất tích cực. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này và thúc đẩy tỷ lệ người mua, người bán sử dụng phương thức giao dịch trực tuyến nhiều hơn.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc triển khai mô hình Chợ 4.0 là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên. Thái Nguyên sẽ nhân rộng mô hình chợ 4.0 trên địa bàn toàn tỉnh nhằm thúc đẩy thói quen không dùng tiền mặt của người dân.
Từ kết quả thí điểm, Thái Nguyên quyết định nhân rộng mô hình này với yêu cầu ngay trong năm 2022 mô hình này có mặt ở tối thiểu 60 chợ trên địa bàn tỉnh.
Với việc nhân rộng “Chợ 4.0”, Thái Nguyên hướng tới hình thành thói quen và xây dựng các công dân số, góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về chương trình chuyển đổi số Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu đến với người dân từ thành thị đến nông thôn, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ trong đời sống hàng ngày.
Theo lộ trình, đến hết năm nay, 100% các tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ được trang bị quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt và mỗi chợ đưa được tối thiểu 1 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử; 100% các chợ theo danh sách đăng ký thu các khoản phí như tiền điện, thuê vị trí,... bằng hình thức không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn coi việc triển khai mô hình “Chợ 4.0” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương mình. Sở Thông tin và Truyền thông được giao làm đầu mối, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.
Trà My, Bình Minh, Anh Dũng, Tuấn Anh, Thanh Bình