Tiêm phòng bao vây ổ dịch

Cuối tháng 3/2021, trên địa bàn thành phố Sông Công (Thái Nguyên) xuất hiện dịch lở mồm long móng trên đàn lợn ở xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên.

Ngay sau khi phát hiện bệnh lở mồm, long móng, các địa phương có lợn mắc bệnh đã xử lý kịp thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi tiêu hủy thu gom phân, rác, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu độc.

Đồng thời, triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng trên đàn gia súc để bao vây ổ bệnh, phun hóa chất, rắc vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh. 

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Ngày 10/4, thành phố đã đã công bố dịch lở mồm long móng, đồng thời tích cực tuyên truyền đến các hộ dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngày 17/4, thành phố Sông Công đã thành lập 10 tổ tiêm cơ động tăng cường tiến hành tiêm bao vây  trâu, bò, lợn tại xã Bá Xuyên - nơi có ổ dịch lở mồm long móng đầu tiên trên địa bàn thành phố trong năm 2021.

Hoạt động này hướng đến mục tiêu giảm tối đa nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng tái bùng phát, lây lan ra diện rộng trên đàn lợn, trâu bò tại các xã, phường có tổng đàn vật nuôi lớn, nguy cơ có dịch bệnh cao.

Ngành chuyên môn sẽ tiến hành tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho trên 900 con lợn và trên 400 con trâu, bò.

Người dân được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí tiền vắc-xin, 50% công tiêm phòng.

Trong ngày đầu ra quân, các tổ tiêm cơ động tăng cường của thành phố Sông Công đã hoàn thành việc tiêm phòng cho số gia súc trong diện tiêm phòng.

Đây là một chiếc lược của các ban ngành thành phố nhằm tạo được miễn dịch phòng bệnh cho vật nuôi trong thời gian sớm nhất, giúp giảm tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng.

Ngay sau khi hoàn thành việc tiêm phòng bao vây ổ dịch tại xã Bá Xuyên, thành phố sẽ triển khai tiêm phòng tại phường Lương Sơn và xã Bình Sơn theo hình thức cuốn chiếu. Dự kiến sẽ sử dụng trên 18 nghìn liều vắc-xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Sau khi tiêm phòng, ngành chuyên môn sẽ tiến hành lấy mẫu đánh giá kết quả tiêm phòng và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia súc sau khi được tiêm vắc xin.

Theo ngành chăn nuôi TP Sông Công, để chủ động phòng, chống dịch lở mồm long móng; hạn chế thiệt hại cho cộng đồng thì tiêm phòng là một trong các giải pháp tối ưu, mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thực tế hiệu quả của vắc-xin phụ thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như tính tương đồng, bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm phòng… nên cần phải thực hiện đánh giá sau tiêm.

Chiến lược vắc-xin trong đẩy lùi dịch bệnh gia súc

Tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho gia súc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phòng chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, các địa phương bảo đảm hai lần tiêm phòng trong năm, mỗi lần tiêm phòng cách nhau 6 tháng, tổ chức tiêm phòng đồng khởi. Lần 1: Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4. Lần 2: Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.

Ngoài 2 đợt tiêm chính nêu trên, các địa phương cần có kế hoạch và tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh trước, trong và sau các đợt tiêm chính; bảo đảm tiêm vắc xin cho tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện phải tiêm phòng.

Bên cạnh  tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện “5 không”: không giấu dịch, không bán chạy lợn, không giết mổ, không tự ý điều trị và không vứt xác gia súc mắc bệnh chết ra môi trường bên ngoài. Giám sát hệ thống giết mổ… Tỉnh Thái Nguyên xác định, tiêm phòng vắc-xin là chiến lược hàng đầu để đẩy lùi dịch bệnh lở mồm long móng, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, phát triển chăn nuôi gia súc ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Minh Phúc