Thực tế, không phải đây là TikToker đầu tiên đăng tải nội dung xấu xí trên các nền tảng mạng xã hội và bị phản ứng.
Việc Nờ Ô Nô miệt thị người nghèo cho thấy sự bất chấp trong lựa chọn chủ đề để “sáng tạo nội dung” mà các Facebooker, TikToker đã, đang làm. Dư luận có lý do khi nhận xét những chủ kênh đôi khi không thật tâm làm từ thiện mà lấy từ thiện làm công cụ thu hút cộng đồng - câu view, câu like. Hay nói cách khác là sử dụng người nghèo, người khuyết tật, người già và những vụ việc bi thảm như tai nạn để “sáng tạo nội dung” là lạm dụng một cách khó chấp nhận.
Bên cạnh đó, nhiều TikToker, Facebooker thời gian qua còn lên mạng dùng những ngôn từ tục tĩu, hay livestream, đăng tải các video, hình ảnh dung tục, khiêu dâm để bán hàng, quảng cáo…
Thực ra, việc dùng mạng xã hội để kiếm tiền như một nghề tự do đã phổ biến và là điều nên khuyến khích nếu chủ nhân các kênh này tạo ra những nội dung mang thông tin bổ ích, giá trị. Đã có nhiều người nổi tiếng, thành công nhờ bản lĩnh và sáng tạo nội dung phù hợp, để lại vị trí trong lòng công chúng.
Việc các “thánh chửi”, những “thánh” livestream với hình ảnh dung tục, ngôn ngữ thô tục có được nhiều lượt xem, like nếu có nổi tiếng thì cũng chỉ là tai tiếng, không có gì đáng nở mày nở mặt. Tất nhiên, đối tượng nào cũng có lượng người theo dõi, ủng hộ riêng vì cùng tần số. Bên cạnh đó, một khi những nội dung không lành mạnh được xem nhiều, kênh chứa nội dung bất ổn được theo dõi nhiều cũng là một “thông điệp” đáng suy nghĩ: tại sao những góc khuất xấu xí lại thu hút con người ta đến vậy? Từ đó có định hướng về giáo dục, giải trí, xây dựng hệ giá trị văn hóa phù hợp.
Nhiều người nghĩ trên mạng xã hội, sau lớp màn của những nick ảo thì có thể buông thả, nói và làm gì cũng được. Thế nhưng, thực ra, những gì mình nghĩ, viết, phát tán hay xem, like… đều lưu lại trong tâm thức và tác động, dẫn dắt mình tiếp tục thực hiện việc đó nhiều lần nữa đến mức thành thói quen, rồi tạo nên tính cách, quyết định nhân dáng, cách sống và hậu quả/ kết quả mà bản thân phải chịu/ nhận về.
Có nhiều người xem/ nghe thường xuyên những nội dung xấu, hình ảnh, video sai trái, lệch lạc đã sống xấu sau một thời gian vì bị tiêm nhiễm. Và ngược lại.
Vì thế, chọn lựa một kênh giải trí, một nội dung để xem, nghe, đọc, nhất là trên mạng xã hội cần phải hết sức tỉnh táo, cân nhắc, chắt lọc. Khi bắt gặp những nội dung, kênh không mang giá trị tích cực, nhân văn cần lướt qua, bỏ theo dõi hoặc thậm chí tẩy chay. Đó chính là sống có trách nhiệm với tự thân, đồng thời góp phần xây dựng cộng đồng trở nên trong sáng, tốt đẹp.
Theo báo cáo minh bạch của TikTok vào quý II/2022, nền tảng này đã xóa hơn 113 triệu video do vi phạm chính sách chỉ trong 3 tháng. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1% tổng số video được đăng tải trên TikTok trong quý II. Nền tảng này giới hạn khả năng nhắn tin trực tiếp của các tài khoản 16-17 tuổi; cập nhật thêm tính năng chọn lọc đối tượng xem video trước khi đăng tải; tự động tắt thông báo vào lúc 21h đối với các tài khoản người dùng trong độ tuổi 13-15, và 22g đối với độ tuổi 16-17.
Chia sẻ với VietNamNet, Thạc sĩ Giáo dục Lê Trường An, nghiên cứu sinh tại Đại học Suranaree (Thái Lan) nhận định, dù rằng các cơ quan chủ quản của mạng xã hội cũng có những màn lọc để ngăn ngừa nội dung bẩn, thông tin xấu, sai lệch, đi ngược lại nhân bản, cổ súy bạo lực… nhưng chắc chắn không thể hoàn toàn xóa sạch, bởi “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, người chơi sẽ tìm cách lách. Do vậy rất cần sự chung tay giám sát và động thái nghiêm khắc từ cộng đồng, như vụ Nờ Ô Nô, mọi người đã đồng lòng lên tiếng, tẩy chay, tạo nên hiệu ứng tập thể khiến cơ quan chức năng lẫn đơn vị chủ quản mạng xã hội nhanh chóng vào cuộc.
Được biết, tháng 8/2022, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lâm Đồng) xử phạt Tiktoker Hoàng Minh 10 triệu đồng vì video clip nói xấu người miền Trung. Trong tháng 7 - 8/2022, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) xử phạt V.M.H. và N.V.C. về hành vi sử dụng trái phép trang phục công an nhân dân, đăng tải trên TikTok. Thông tin mới nhất, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cũng đã có quyết định phạt hành chính chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô 7,5 triệu đồng vì hành vi kể trên.
Vạ miệng và vạ “mạng” ngày nay có nhiều. Theo ThS.Lê Trường An, nếu nó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết thì người dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi tham gia mạng xã hội. Với các Facebooker, TikToker chuyên nghiệp, kiếm tiền được từ kênh của mình thì không có chuyện đổ lỗi cho thiếu hiểu biết. Còn nếu là “chấp mê bất ngộ” vì mục đích kiếm tiền, ngộ nhân danh tiếng thì “chơi dao có ngày đứt tay”, “đi đêm có ngày gặp ma” là chuyện sớm muộn mà thôi.