– Bức xúc trước sự xuất hiện ồ ạt của những “thảm họa”, các nhạc sĩ trẻ đã thi nhau lên tiếng.
Phương My quá mừng vì lọt top thảm họa
Phi Thanh Vân tiếp tục tung "thảm họa"
Những "thảm họa" nhạc Việt có thể bạn chưa biết
'Nói dối' soán ngôi "Da nâu": Thảm họa nhạc Việt?
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong |
Thời gian qua, theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi cũng có biết đến những ca khúc được gọi là “Thảm họa âm nhạc”. Tuy nhiên, nói thật là tôi không cảm thấy bất ngờ hay sốc bởi tôi nghĩ, sự xuất hiện của các “thảm họa” này là một điều tất yếu trong sự phát triển của âm nhạc hiện nay.
Trước đây, nhiều nền âm nhạc lớn trên thế giới cũng đã trải qua những giai đoạn tương tự. Chẳng phải nói đi đâu xa, khoảng 10 năm về trước, Hàn Quốc với Nhật Bản cũng vậy thôi. Sau này, nhiều nhà sản xuất, nhạc sĩ của họ có cơ hội tiếp cận với những nền âm nhạc lớn hơn, được trau dồi thêm nhiều kiến thức hơn. Từ đó, họ mới dần thay đổi được diện mạo âm nhạc của quê hương mình và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Trở lại với Việt Nam, hiện chúng ta đang ở trong giai đoạn nháo nhào, chưa định hình và cũng không có xu hướng rõ ràng. Cái hay nhiều thì cái dở cũng chẳng ít. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, những giá trị giải trí ngắn hạn, thời trang ắt sẽ bị đào thải khi mọi thứ trở nên chuyên nghiệp hơn. Tôi tin là như vậy.
Ngoài sự tất yếu như đã nói ở trên thì tôi thấy, các “thảm họa” được ra đời một cách ồ ạt còn do nhiều yếu tố khác. Ví dụ như là thẩm mỹ, ý thức của người nghe nhạc. Thực sự, ở thời điểm hiện tại, người nghe nhạc có lựa chọn thì quá ít, trong khi thành phần thưởng thức bình dân thì lại quá nhiều. Chính sự dễ dãi trong âm nhạc của những đối tượng này đã vô tình “ươm” cho hàng loạt “thảm họa” thi nhau “nảy mầm”.
Chưa kể, việc đưa các ca khúc đến với công chúng hiện giờ lại quá dễ dàng. Nếu như trước đây, các ca sĩ muốn được khán giả biết đến, họ cần phải trau dồi bản thân, đầu tư cho những sản phẩm âm nhạc chất lượng thì bây giờ, nhiều người chỉ cần bỏ ít tiền, làm một album online rồi quăng lên các website âm nhạc, thế là thành ca sĩ. Và quả thực, thật khó đòi hỏi hai chữ “chất lượng” ở những album như vậy.
Sau cùng, theo tôi, các nhạc sĩ cũng có ít nhiều trách nhiệm. Mặc dù vậy, cũng khó có thể trách họ khi việc kiếm tiền lại không phải dễ dàng. Vì cơm áo gạo tiền mà nhiều nhạc sĩ đành tặc lưỡi, đồng ý tiếp tay cho việc sáng tác, thậm chí là cả hòa âm, phối khí cho những “thảm họa”. Nếu như cuộc sống sung túc hơn, nếu như nghiệp viết nhạc mang đến cho họ cuộc sống tốt hơn thì chắc hẳn, chẳng ai muốn làm như vậy.
Nói gì thì nói, tôi cũng hy vọng cho giai đoạn này sẽ sớm qua đi để người yêu nhạc Việt Nam không còn phải đối mặt với những “thảm họa” tương tự.
Ca sĩ, nhạc sĩ Mai Khôi |
Đúng là âm nhạc Việt Nam đang phải liên tục hứng chịu những thảm họa. Nhiều bài hát có ca từ và giai điệu thiếu thẩm mỹ, thậm chí là rất báng bổ, thế nhưng vẫn được bật nhan nhản ngoài đường, trong những quán café, trên xa taxi…
Phần vì sự lan truyền nhanh chóng của mạng internet. Thường cái gì xấu thì rất dễ lây lan, tiếng lành đồn gần, tiếng xấu đồn xa mà. Phần lại vì những thành phần nghe nhạc có thị hiếu thấp, nghe thấy lạ lạ, vui vui, buồn cười, sau đó truyền tai nhau. Riết rồi trở thành một trào lưu, thành hot. Chưa kể, nhiều người có tính a dua, cho nên những bài hát kiểu như thế mày mới tung hoành khắp mọi nơi và trên mạng.
Có một số nhận định cho rằng các ca sĩ trẻ, vì quá mong muốn nổi tiếng, nên đã tung ra những ca khúc “thảm họa” như vậy nhằm gây sốc. Tôi cho rằng những nhận định này chính xác. Nhiều bạn trẻ quá nôn nóng và vô lương tâm nên mới có thể hát được những ca khúc như thế này. Còn người làm ra những “thảm họa” thì cũng có ý thức quá kém. Vì tiền và sự nổi tiếng mà biết dở, biết kém chất lượng vẫn làm.
Theo tôi nghĩ, những “thảm họa” này sẽ làm giảm thẩm mỹ âm nhạc của người nghe xuống một cách trầm trọng, nền âm nhạc nước nhà sẽ dần xuống cấp. Nếu những người làm nhạc không có tâm, chỉ muốn kiếm tiền, tiếp tục cho ra đời những thể loại nhạc kiểu như vậy thì ắt sẽ khiến âm nhạc Việt Nam đi xuống, khó mà phát triển được.
Nói chính xác ra, không thể liệt những “thảm họa” này vào âm nhạc Việt Nam nói chung. Chúng giống như những trò hề cho thiên hạ cười thôi, chứ làm sao có thể xem đây là âm nhạc chính chống được.
Về phần mình, tôi tự cảm thấy quá nhỏ bé, chẳng biết làm gì ngoài việc thực hiện những album tử tế, hát những ca khúc tử tế, sáng tác những bài hát hay để phục vụ các khán giả yêu nhạc thực sự.
Linh Phạm (thực hiện)