Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta kéo dài 20 năm với vô vàn ác liệt, hy sinh mất mát. Nhưng cũng chính từ trong sự khốc liệt của cuộc chiến ấy, giữa cái sống và cái chết đã nảy nở những tình yêu thật bình dị mà cao đẹp.

Tin liên quan:

Chuyện tình của người lính trẻ Lê Xuân Hiệp quê ở Yên Hưng với o thôn nữ Hà Tĩnh Dương Thị Tam là một trong số đó. Tình cờ mới đây trong dịp đến Bộ CHQS tỉnh lấy tư liệu viết bài, tôi được Trung tá Lê Đức Quý, Trưởng Ban Tuyên huấn, kể cho nghe câu chuyện về một mối tình mà theo anh, thật đáng trân trọng... “Đằng sau mối tình này là tấm lòng thuỷ chung, son sắt của người phụ nữ mà tôi nghĩ trong thời buổi hiện nay, lớp trẻ như chúng ta cần lấy đó làm gương...” - Trung tá Quý nói với tôi như vậy.

Vợ chồng bà Tam và các con, cháu (ảnh do bà Tam gửi cho tác giả).


Anh kể thêm: Vào cuối tháng 3-2010, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh nhận được lá thư của bà Dương Thị Tam, 61 tuổi, quê ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, hiện cư trú tại thôn 6, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong thư, bà Tam cho biết năm 1971 bà có yêu một người bộ đội tên là Lê Xuân Hiệp, chỉ biết quê ở Quảng Ninh. Hai người đã ước thề nên duyên vợ chồng nhưng chiến tranh kết thúc mà không thấy anh trở về. Giờ bà muốn tìm tin tức ông Hiệp và gửi lại cho gia đình tấm ảnh chân dung - kỷ vật ông đã tặng bà khi yêu nhau. Trong lúc Bộ CHQS tỉnh chưa biết “mò kim đáy bể” từ đâu thì rất may là cùng với gửi thư cho Tỉnh Đội, bà Tam đã phôtô lá thư gửi cả cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh. Sở đã có sáng kiến là thảo công văn và phô tô lá thư gửi về các huyện thị, rồi từ đó lại gửi về các xã, phường. Chính từ cách làm này mà anh Lê Đức Tuyến, cán bộ tư pháp xã Cẩm La (Yên Hưng) đã nhận ra người mà bà Tam cần tìm chính là chú ruột mình.

Theo giấy báo tử thì ông Hiệp đã hy sinh ngày 4-2-1972 tại mặt trận phía Nam...Đọc lá thư của bà Tam mà Trung tá Quý đưa cho xem, tôi rất xúc động. Ngay chiều hôm ấy, tôi gọi vào Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh xin được số máy của Hội LHPN xã Cẩm Vịnh. Chị Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội đã nhiệt tình giúp tìm cho tôi số máy điện thoại nhà riêng của bà Tam.

Mặc dù chỉ là trò chuyện trên điện thoại nhưng tôi nghe giọng bà Tam vẫn rất xúc động. Bà bảo, thời chống Mỹ, quê bà ở xã Kỳ Thượng được chọn là điểm dừng chân cho các đoàn quân vào Nam chiến đấu và cũng là hậu cứ cho các đơn vị quay ra an dưỡng.... “Thế rồi một lần, tôi nhớ rõ là vào tháng 5-1971”. Giọng bà Tam trở nên xa vắng: “Tôi gặp anh Hiệp trong đoàn bộ đội về an dưỡng tại xã nhà. Chúng tôi quen nhau, rồi yêu nhau. Anh ấy thường bảo khi nào chiến tranh kết thúc, anh ấy sẽ đưa tôi về quê anh ở một huyện ven biển Quảng Ninh, bố đã mất chỉ còn mẹ già.

Ngày ấy chiến tranh ác liệt, chuyện trai gái yêu đương không lộ liễu như bây giờ đâu. Anh Hiệp lại là đảng viên nên chúng tôi càng phải ý tứ, không dám để cho đơn vị anh ấy biết. Tuy nhiên, bố mẹ tôi thì quý anh Hiệp lắm; anh ấy đã ăn cơm ở nhà tôi, các em tôi cũng rất mến “chú Hiệp” (thời ấy, trẻ em quê tôi đều gọi bộ đội là chú, cho dù có người mới nhập ngũ chỉ đáng tuổi anh thôi cũng vậy!).Một hôm hai đứa gặp nhau, anh Hiệp tặng tôi 1 bức ảnh chân dung và 1 cuốn sổ anh ấy được khen tặng vì thành tích chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Trong cuốn sổ ấy, anh Hiệp viết rằng trong cuộc chiến khốc liệt này chúng ta sẽ nhất định thắng.

 Nếu như anh ấy có phải hy sinh thì tôi cũng đừng có buồn đau nhiều vì anh ấy đã hy sinh cho Tổ quốc quang vinh, cho mai sau tươi sáng. Bằng không, khi còn sống trở về, anh ấy sẽ tìm tôi dù ở chân trời, góc bể nào - bà Tam dừng lại một lúc để nén xúc động. Chúng tôi yêu nhau hạnh phúc như thế cho đến tháng 12-1971, đơn vị anh chuyển đi. Do bí mật quân sự nên tôi không biết và cũng không kịp chia tay anh. Tháng 2-1972, tôi nhận được 1 lá thư Hiệp gửi về, anh ấy thông báo tình hình sức khoẻ, công tác và động viên tôi vững tin vào ngày chiến thắng không còn bao lâu nữa.

Sau đó không lâu thì tôi cũng đi thanh niên xung phong. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó nhưng trong tim tôi lúc nào cũng vẹn nguyên một lời hẹn thề cùng hình ảnh, lời dặn dò của anh ấy. Tháng 4-1975, miền Nam giải phóng, tôi trở về chuyển ngành làm công nhân thuỷ lợi và vẫn chờ đợi Hiệp. Cuối năm 1975, tôi mới đi lấy chồng. Chồng tôi - anh Phan Đình Phương, cũng là một người lính từ chiến trường chống Mỹ trở về. Vợ chồng tôi sinh được một cháu gái và một cháu trai. Cả hai giờ đã trưởng thành, công việc ổn định. Vợ chồng tôi đã lên ông, lên bà, có cháu nội, cháu ngoại, cuộc sống tuy chưa phải giàu có gì nhưng rất ấm cúng, hạnh phúc...

Tôi hỏi bà Tam rằng việc bà từng có mối tình đầu sâu nặng ấy thì ông Phương, chồng bà, có biết không, bà Tam cười, bảo tôi cứ nói chuyện với ông ấy thì rõ... Tôi nghe tiếng ông Phương ở đầu dây phía bên kia. Ông bảo ông nhập ngũ năm 1972, tham gia nhiều trận đánh, đến năm 1975 thì bị thương sau đó xuất ngũ. Và ngay từ khi mới quen, bà Tam đã không giấu ông chuyện tình của bà... “-Cưới nhau rồi tôi vẫn trân trọng các kỷ vật xưa của vợ” -Ông Phương nói. Tôi hỏi: “Vậy chú có ghen với chuyện xưa của cô ấy không?”. Ông Phương cười khà khà: “Ghen chi? Thư ông ấy viết hay lắm. Tôi và ông ấy cùng bộ đội mà, có chi mà ghen. Chính tôi đã bàn với bà nhà tôi gửi thư và ảnh của ông Hiệp về Quảng Ninh đấy chứ!”.

Còn anh con trai của ông bà tên Vinh cũng ở đó thì nói: “Chuyện tình cảm quá khứ của mẹ em và bác Hiệp mẹ đều nói và hỏi ý kiến cả gia đình. Bố em và chúng em rất tôn trọng mẹ. Tiếc là bác ấy đã hy sinh”…Bà Tam cho biết tất cả những kỷ vật gồm tấm ảnh, cuốn sổ của liệt sĩ Hiệp tặng bà ngày xưa, bà đều giữ gìn cẩn thận. Những năm chiến tranh ác liệt bà vẫn luôn mang theo trong ba lô. Rất tiếc, mấy năm trước cuốn sổ đã bị thất lạc khiến bà buồn bã mất mấy tháng trời, riêng tấm ảnh bà đã bảo Vinh (làm nghề ảnh ở TP Vinh - Nghệ An) chụp lại rồi “bắn” 2 câu thơ ông Hiệp đã đề tặng bà ở phía sau tấm ảnh ra phía trước. Hai câu thơ này do ông Hiệp làm bày tỏ nỗi lòng trước khi chia tay vào chiến trường: “Xa nhau một nỗi vấn vương/Lưu niệm tấm ảnh nhớ thương trong lòng. 30-8-1972”.

Sau đó, bà viết thư, gửi tấm ảnh cho Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh (như nói ở trên) còn tấm ảnh gốc bà vẫn giữ. Bà Tam cho biết sở dĩ giờ bà mới có ý định gửi tấm ảnh trên về cho gia đình ông Hiệp là bởi gần đây bà xem ti vi thấy nói về ý nghĩa của việc sưu tập các kỷ vật thời chiến tranh. Hơn nữa để lỡ ông Hiệp có hy sinh rồi thì gia đình có ảnh để mà thờ. Vợ chồng tôi dự định ngày 27-7 tới đây hoặc ngày giỗ anh Hiệp (4-2) sẽ ra thăm gia đình ngoài đó, thắp cho anh ấy nén hương - giọng bà Tam bùi ngùi.Một sáng hè đầu tháng 6, tôi tìm về gia đình của liệt sĩ Lê Xuân Hiệp ở xóm Trại, xã Cẩm La, huyện Yên Hưng. Ông Lê Đức Tiếp, 71 tuổi, anh trai của liệt sĩ Lê Xuân Hiệp đang là người thờ cúng liệt sĩ. Thắp nén hương lên bàn thờ, tôi có dịp nhìn kỹ hơn bức di ảnh của liệt sĩ Hiệp. Gương mặt người trong ảnh toát lên vẻ cương nghị, đôi mắt sáng và khá đẹp trai.

Bằng giọng chậm rãi, ông Tiếp kể: Bố mẹ tôi sinh được 4 anh chị em gồm 2 trai, 2 gái. Chú Hiệp sinh năm 1949, là thứ 3 và học khá giỏi, từng được giải cuộc thi học sinh giỏi văn của tỉnh. Ngoài giờ học, chú ấy lại ra đồng giúp bố mẹ nhổ mạ, cấy lúa. Ngôi nhà tôi đang ở đây chính là do chú ấy nhờ thêm bạn bè quật đất, tôn nền mà được ấy chứ. Năm 1968, chú Hiệp xung phong vào bộ đội, đến năm 1971 được về phép 1 lần rồi lại trở vào chiến trường. Năm 1972, khi nhận được giấy báo tử, mẹ tôi đã ốm mấy tháng trời vì khóc thương chú ấy… Kể đến đây, 2 khoé mắt nhăn nheo của ông Tiếp ầng ậng nước.

Về chuyện riêng tư của em trai mình, ông Tiếp cho biết khi gia đình nhận được lá thư của bà Tam, mọi người đều hết sức bất ngờ và xúc động. Anh Lê Đức Tuyến kể ngay sau khi nhận được lá thư, anh bèn gọi điện liên lạc với bà Tam. Câu đầu tiên, bà Tam rụt rè hỏi anh rằng ông Hiệp giờ ra sao. Khi anh nói rằng chú mình đã hy sinh ngày 4-2-1972 thì bà Tam đã oà khóc. Anh phải đợi khoảng 5 phút cho bà Tam khóc, ghìm nén cơn xúc động rồi hai cô cháu mới nói chuyện tiếp được. Ông Tiếp đưa cho tôi xem lá thư của bà Tam gửi cho ông và gia đình đề ngày 30-4-2010 - đúng ngày kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam. Với những lời bộc bạch đầy xúc động, bà Tam tự coi mình như một người em dâu của ông, một người thân trong gia đình. Anh Tuyến cho biết, vừa qua, nhân dịp xã tổ chức đoàn tham quan vào viếng nghĩa trang Đồng Lộc, anh đã có dịp ghé thăm gia đình bà Tam 2 ngày trong sự đón tiếp rất thân tình của cả gia đình...Trước khi chia tay, ông Tiếp nói với tôi rằng ông đã viết một lá thư gửi gia đình bà Tam đề nghị 2 gia đình kết nghĩa anh em (lá thư nay đã đến tay gia đình và bà Tam cho tôi biết cả gia đình bà rất vui và đồng ý). “Cuối năm nay tôi sẽ thu xếp công việc trở lại Hà Tĩnh và dành thời gian đi tìm hài cốt của chú tôi. Giờ 2 gia đình đã biết nhau, tôi quý và coi gia đình cô Tam, chú Phương và các em Quỳnh, Vinh như người thân của mình vậy” - Anh Tuyến khẳng định.

Hạ Long, 10-6-2010

  • Theo Báo Quảng Ninh