Doanh thu tăng, lỗ ngày càng lớn

Công ty Thành Bưởi thành lập năm 2000, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa. Doanh nghiệp có trụ sở chính trên đường Lê Hồng Phong, cùng hai văn phòng ở đường Điện Biên Phủ và đường Võ Nguyên Giáp, đều thuộc TP.HCM.

Nhà xe này có hơn 1.300 nhân viên, chiếm thị phần lớn trên các tuyến Đà Lạt - TP.HCM, Đà Lạt - Cần Thơ và TP.HCM - Cần Thơ với cơ sở vật chất cạnh tranh hơn đối thủ. Đây đều là những chặng đông khách, nhất là các dịp cuối tuần, lễ, Tết khi nhu cầu vui chơi và du lịch tăng cao.  

Thực tế, tên gọi của công ty được ghép từ tên vợ chồng ông Thành và bà Bưởi. Trong đó, ông Thành là người sáng lập và giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, sau 24 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, hiện công ty Thành Bưởi có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu từ cuối năm 2021 bao gồm nhà sáng lập Lê Đức Thành nắm 84,71% và người con Lê Dương sở hữu phần còn lại 15,29% vốn. 

Ngoài doanh nghiệp cốt lõi trên, ông Thành góp vốn lập Công ty TNHH Vận tải Lê Khánh vào năm 2009, cùng hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe khách. Công ty vào cuối năm 2022 được đổi tên thành Công ty TNHH Môi trường Du lịch Thành Lê. 

xe- thanh-buoi.png
Thành Bưởi thu gần 500 tỷ đồng/năm - thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. (Nguồn: Vietdata).

Về hoạt động kinh doanh, theo dữ liệu từ Vietdata, hãng xe Thành Bưởi có quy mô doanh số khá lớn trong ngành vận tải xe khách. Công ty bị mất phân nửa doanh thu trong năm 2021, nhưng nhanh chóng lấy lại phong độ khi đạt hơn 485 tỷ đồng trong năm 2022 (tương đương năm 2020). 

Dẫu vậy, hiệu quả kinh doanh là điều đáng lo khi công ty liên tục thua lỗ và ngày càng tăng lên. Thành Bưởi ghi nhận mức lỗ kỷ lục hơn 85 tỷ đồng trong năm 2022, cao hơn gấp nhiều lần so với những năm trước.

Hàng loạt hãng xe thua lỗ

Tình hình kinh doanh của Thành Bưởi cũng tương đồng với bức tranh chung của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải xe khách, doanh thu tăng trưởng trở lại nhưng nhiều đơn vị vẫn nằm trong tình trạng kinh doanh thua lỗ. 

Báo cáo của Vietdata cho thấy Kumho Samco (liên doanh giữa tập đoàn Kumho và Tổng công ty Samco) cũng có kết quả không được khả quan khi luôn phải chịu khoản lỗ vài chục tỷ đồng trong 3 năm liên tiếp gần đây.

Liên doanh này có 40 xe khách chất lượng cao chạy trên các tuyến cố định TP.HCM đi Phan Thiết, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuộc và đồng thời mở rộng sang khách du lịch, khách hợp đồng. Doanh thu năm 2022 cũng có sự khởi sắc trở lại với mức 231 tỷ đồng.

Mai Linh Express của Tập đoàn Mai Linh hiện hoạt động trên 12 tuyến đường nối liền các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, nhưng các năm gần đây đã thu hẹp mạnh hoạt động nên doanh thu chỉ vài tỷ đồng và cũng lỗ 2 năm liên tiếp. 

xe thanhbuoi 2.png
Nhiều nhà xe nằm trong tình trạng thua lỗ kéo dài. (Nguồn: Vietdata).

Ngược chiều vẫn có một số nhà xe có lợi nhuận dương nhưng con số lãi rất khiêm tốn, chỉ vài tỷ đồng. Nếu so với doanh thu thì hiệu suất sinh lời/doanh thu chỉ vào khoảng vài % như Toàn Thắng, Sao Việt, Hoàng Long...

Trong bối cảnh nhu cầu đi lại, trao đổi của người dân tăng thì ngành vận chuyển hành khách đang có bước chuyển biến ốt, bất chấp kinh tế suy thoái và nhiều ngành rơi vào khó khăn. Dữ liệu từ Vietdata cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành vận tải hành khách tăng tới 21,2% trong những tháng đầu năm 2023.

Nhu cầu di chuyển gia tăng và liên tục của người dân hiện nay đã tạo cơ hội cho nhiều hãng xe khách phát triển. Tuy nhiên, việc có quá nhiều hãng xe vận chuyển hành khách đã tạo nên sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Các hãng xe rất dễ đối mặt với việc mất khách hàng vào tay các đối thủ.

Để thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ, các hãng xe không chỉ vận tải người mà còn có những hệ thống vận tải hàng hóa khác nhau. Các hãng xe khách cũng có nhiều chiến dịch nhằm thu hút khách hàng khi tung ra các chương trình giảm giá để giữ chân khách hàng, xây dựng hệ thống đặt vé online, nâng cấp cơ sở vật chất...