Thanh Hóa có 102 km bờ biển, 6 cửa lạch và trong tỉnh hiện có 6.507 phương tiện, 24.500 lao động nghề cá, trong đó 4.367 phương tiện hoạt động vùng bờ, 974 tàu hoạt động ở vùng lộng, 1.166 tàu chuyên đánh bắt hải sản ở vùng khơi. Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình cùng phí thuê bao, 1.125 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 96,5%. Cơ quan chức năng đã nhập dữ liệu 606 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m và 2.135 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Thực hiện dự án bảo vệ nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn các chủ phương tiện, ngư dân chấp hành các quy định pháp luật trong khai thác, bảo vệ thủy sinh ven bờ; khuyến khích nhân rộng tổ đồng quản lý, phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng cường chuyển giao công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, bảo đảm năng lực vận hành phương tiện an toàn.
Nhờ đó, số lượng phương tiện thô sơ chuyên khai thác thủy sản ở vùng ven biển dần giảm; nhiều hộ dân đầu tư mua sắm, nâng cấp tàu, tham gia đánh bắt hải sản xa bờ.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5%/năm trở lên; giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 8.250 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 125 triệu USD; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 198.500 tấn; trong đó: sản lượng khai thác thủy sản 134.500 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 64.000 tấn; giảm tổn thất sản phẩm khai thác hải sản sau thu hoạch trên tàu cá xuống dưới 15%; phấn đấu 100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tham gia các tổ, đội khai thác trên biển.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2026 - 2030 đạt 6%/năm trở lên; giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 11.100 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 145 triệu USD; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 215.000 tấn; trong đó: sản lượng khai thác thủy sản 145.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70.000 tấn; tổng số tàu thuyền khai thác vùng khơi phấn đấu đạt 1.331 chiếc; sản lượng khai thác thủy sản vùng khơi ước đạt 93.000 tấn; giảm tổn thất sản phẩm khai thác hải sản sau thu hoạch trên tàu cá xuống dưới 10%; duy trì 100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tham gia các tổ, đội khai thác trên biển…
Đến năm 2045, ngành Thủy sản tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.
Để thực hiện các mục tiêu này, kế hoạch đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương đã ban hành hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư hạ tầng, phương tiện khai thác, bảo hiểm tàu cá, duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép, chi phí đào tạo, nâng cao năng lực; hỗ trợ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi nghề, tăng cường sự hiện diện của ngư dân tại các vùng biển; hỗ trợ rủi ro trong sản xuất thủy sản; kiểm soát môi trường, dịch bệnh; cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách của tỉnh về đóng hầm bảo quản đối với tàu cá hoạt động vùng khơi bằng vật liệu mới, phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đề xuất xây dựng các chính sách đặc thù riêng của tỉnh nhằm phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, như: Chính sách hỗ trợ của các tổ, đội khai thác trên biển; Chính sách đào tạo, bồi dưỡng đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá; hỗ trợ đào tạo nghề cho con em ngư dân về lĩnh vực thuỷ sản; Chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng trong thời gian cấm khai thác thủy sản có thời hạn trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân nhằm giảm áp lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặc biệt là ở vùng biển ven bờ.
Theo UBND tỉnh, đây là điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.