Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa hiện có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng mạng tương đối đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học.
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật số bao gồm 2 phòng lắp ráp bảo trì máy tính, 4 phòng thực hành tin học, 1 phòng tin học có kết nối thư viện điện tử, 3 phòng học mô phỏng...
Ngoài ra cũng đã chỉnh sửa và cập nhật chuẩn đầu ra cho toàn bộ ngành nghề đào tạo thuộc 3 cấp trình độ... Đồng thời, đưa các nội dung như IoT, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu tích hợp vào nội dung giảng dạy các môn học.
Phần lớn các phòng, khoa chuyên môn trong trường đều đã có hệ thống phần mềm riêng phục vụ việc quản lý và giảng dạy. Việc số hóa bài giảng, học liệu và cả các học phần thực hành mô phỏng tại trường đã mang lại sự hào hứng cho người học.
Sinh viên Trần Văn Tình, Khoa Công nghệ ô tô cho biết: Khi học mô hình mô phỏng giúp ích cho chúng em rất nhiều trong học tập như hiểu biết thêm về máy móc, cơ chế hoạt động, về các rủi ro và đảm bảo an toàn lao động... giúp chúng em dễ hình dung và áp dụng vào thực tiễn hơn.
Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng, cho biệt: Thời đại số hóa khiến con người linh hoạt hơn, nhưng vấn đề đặt ra là con người và công nghệ phải cùng song hành. Công nghệ 4.0 đòi hỏi con người cũng phải có tư duy 4.0 để điều hành, khai thác, làm chủ được công nghệ.
Trong những năm qua trường luôn quan tâm, chú trọng chuyển đổi số (CĐS) trong mọi hoạt động giảng dạy, quản lý, điều hành... Ban giám hiệu luôn chú trọng tạo ra các phong trào thi đua CĐS ngay trong đơn vị, nhờ đó nhận thức của cán bộ, giáo viên, sinh viên về CĐS trong hoạt động giáo dục đã được nâng lên.
Tuy nhiên, “muốn đi nhanh phải có phương tiện tốt”, trong CĐS đường truyền, thiết bị công nghệ là vô cùng quan trọng, do đó trường mong muốn trong giai đoạn tới, sau khi đồng bộ về cơ sở vật chất sẽ được quan tâm, tăng cường thêm về máy móc, trang thiết bị, hạ tầng CNTT, phần mềm liên thông đồng bộ... để số hóa toàn diện và mô thức đào tạo.
Việc CĐS trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện đang được các cơ sở GDNN triển khai trên nhiều bình diện, từ quản lý, đào tạo, giảng dạy đến nghiên cứu khoa học, tuyển sinh... Hiện nay các cơ sở GDNN đang tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Khung chương trình các môn học được biên soạn, chỉnh sửa theo hướng tăng thời lượng thực hành, bổ sung thêm các kỹ năng số thông qua việc thực hành sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Việc đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao cũng đang được thực hiện trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đào tạo các môn học liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng số.
Đặc biệt, các cơ sở cũng đã chú trọng phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, từ đó thúc đẩy việc ứng dụng CĐS trong nhà trường.
Để đẩy mạnh CĐS trong GDNN, từng cơ sở giáo dục phải tích cực quán triệt quan điểm, mục tiêu CĐS, đồng thời tập huấn, đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.
Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa Trịnh Thị Ngọc, cho biết: Định hướng của trường trong các năm tiếp theo là đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, các phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý học sinh, sinh viên, đồng thời xây dựng các phòng học thông minh, thư viện điện tử... đáp ứng yêu cầu CĐS trong hoạt động giáo dục và đào tạo.
Thanh Hóa hiện có 88 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Đến nay 100% cơ sở GDNN trên địa bàn đã xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; hơn 80% trường học sử dụng phần mềm quản lý nhà trường. Trong quản trị nhà trường, hồ sơ học sinh, sinh viên, hồ sơ nhân sự và hồ sơ về cơ sở vật chất, thiết bị đều đã được quản lý bằng hồ sơ số; hồ sơ giảng dạy đã chuyển đổi sang hồ sơ điện tử, dần thay thế hồ sơ giấy.
Cùng với đó, các cơ sở GDNN cũng đã chú trọng số hóa công tác quản lý tuyển sinh; phát triển chương trình quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% trường cao đẳng, trung cấp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng GDNN của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; 70% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số...
Qua đó, góp phần tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các cơ sở GDNN cần được tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDNN.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN đáp ứng yêu cầu đào tạo trong kỷ nguyên số.
Theo Linh Hương (Báo Thanh Hoá)