Thanh Hóa có 102 km bờ biển với trữ lượng hải sản lớn. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu, thuyền đánh cá ra vào. Ở vùng cửa lạch là những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha, thuận lợi cho nuôi trồng hải sản, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối... Đây được xem là những yếu tố hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung. 

anh 45ss.jpg
Khai thác thủy sản đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân.

Tuy nhiên, hiện việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng biển quá mức, không có quy hoạch đang có nhiều nguy cơ gây nên những tác động xấu đối với môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên... Ngoài ra, việc phát triển kinh tế biển trong khu vực còn phải đối mặt với nhiều rủi ro và hiểm họa, như: sự xâm nhập nước biển sâu vào đất liền, xói mòn, sạt lở và bồi tụ bờ biển, bão lũ, ô nhiễm môi trường...

Trước thực trạng đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân ven biển về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, bảo vệ rừng ngập mặn góp phần giải quyết tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển... Theo đó, hàng năm, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành các đợt điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường tại các cửa sông, cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, khu nuôi trồng hải sản tập trung, khu du lịch biển và ven biển. 

Theo kế hoạch, trong năm 2023, sẽ lấy mẫu môi trường biển tại 28 vị trí thuộc khu vực cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão như Cảng Nghi Sơn, Cảng cá Lạch Bạng, Cảng cá Lạch Hới... Đối với mẫu môi trường các khu du lịch biển sẽ quan trắc tại 9 vị trí, bao gồm: Khu du lịch Sầm Sơn, Thành phố Sầm Sơn; Khu du lịch Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn; Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa. 

Thông qua hoạt động quan trắc, các cơ quan quản lý nắm bắt được hiện trạng, xu hướng diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố ô nhiễm môi trường cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Về môi trường, đa dạng sinh học biển và hải đảo, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị ven biển được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

Bên cạnh đó là việc quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản; ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cùng với tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng.

Các định hướng, nhiệm vụ chiến lược đến năm 2030, gồm: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo; Ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Điều tra cơ bản biển và hải đảo; Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.

Các giải pháp chủ yếu cũng được đạt ra để thực hiện các mục tiêu gồm: Thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Phát triển khoa học, công nghệ; Chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; Áp dụng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV