Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, có hệ thống giao thông thuận lợi, cửa ngõ giao lưu nối liền Nam - Bắc, có đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở... Bên cạnh thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, các loại tội phạm cũng dễ phát sinh; trong đó tội phạm mua bán người đang tiềm ẩn những yếu tố khó lường.

Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, xác minh và trao trả 18 nạn nhân bị mua bán trở về. Đặc biệt, trong năm qua, tình hình mua bán người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có những diễn biến phức tạp.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà nghỉ, massage thuê nhân viên nhưng không có việc làm nên chủ cơ sở có hành vi chuyển nhượng lại nhân viên cho các cơ sở kinh doanh khác. Theo đó, các cơ sở nhận chuyển nhượng đã bắt ép nhân viên phải lao động không công để bù lại số tiền bỏ ra mua.

Lực lượng chức năng đã triệt phá 2 vụ án mua bán người, khởi tố 10 bị can về hành vi mua bán người, giải cứu 8 nạn nhân bị mua bán, trong đó có 2 người quê Thanh Hóa và 6 người ở các tỉnh khác.

{keywords}
Diễu hành cổ động phòng, chống mua bán người.

Để phòng, chống nạn mua bán người cũng như thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phòng chống mua bán người.

Hàng năm, sở ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người.

Tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát danh sách những người có dấu hiệu bị mua bán trở về, lập hồ sơ đề nghị xác minh, thực hiện hỗ trợ theo quy định. Lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương như: chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn...

Bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về địa phương đều nhận được các chính sách, dịch vụ hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhiều nạn nhân được Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... cho vay vốn, hỗ trợ học nghề, trợ giúp tâm lý.

Thực hiện việc kết nối hỗ trợ lâu dài nạn nhân bị mua bán trở về, cuối năm ngoái, Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị chức năng hoàn tất các thủ tục để con của một nạn nhân ở huyện Hậu Lộc (nạn nhân bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối) vào Làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Sống trong môi trường mới, được học tập, vui chơi, được các dì, các mẹ chăm sóc, các anh, chị trong gia đình yêu thương, cháu đã nhanh chóng hòa nhập, học tập tiến bộ.

Có thể nói, hiện nay tình hình hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm. Những nạn nhân bị mua bán trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần sự giúp đỡ. Do đó, tỉnh Thanh Hoa cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, đoàn thể để đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tội phạm mua bán người. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tạo điều kiện để họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản và hòa nhập cộng đồng.

Bích Thủy