Thanh Hóa có 213,5 km đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào, 92 mốc quốc giới/88 vị trí, 13 cọc dấu biên giới; 102 km bờ biển thuộc 11 huyện, thành phố với 59 xã, phường. Toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc và trên các vùng biển, đảo của tỉnh đều được Nhân dân đăng ký cam kết tự nguyện tham gia bảo vệ với nhiều mô hình như: dòng họ, gia đình tự quản an ninh trật tự; tổ tàu thuyền an toàn; tổ tự quản an ninh trật tự; tổ nuôi trồng thủy sản an toàn, bến, bãi an toàn; các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia. Cụ thể đã vận động được 1 tập thể, 19 hộ gia đình, 90 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; 141 tổ/523 tổ viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản...

Có được kết quả này là nhờ những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.289 Người có uy tín trong đồng bào DTTS; trong đó dân tộc Mường 638 người, dân tộc Thái 485 người, dân tộc Kinh 92 người, dân tộc Thổ 31 người, dân tộc Dao 12 người, dân tộc Mông 43 người, dân tộc Kinh 83 người, dân tộc Khơ Mú 2 người và dân tộc Thổ 26 người.

16/16 xã biên giới của tỉnh Thanh Hóa đã có 151 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký bảo vệ dấu hiệu đường biên, mốc giới, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, đồng thời đã thành lập 768 tổ an ninh trật tự thôn bản/2.415 thành viên tham gia, 100% các thôn, bản khu vực biên giới đất liền, biên giới biển có tổ hòa giải. Không chỉ riêng với tuyến biên giới, trên địa bàn tuyến biển của tỉnh, đã thành lập được 882 tổ tàu thuyền an toàn/5.979 tàu/11.539 thuyền viên tham gia, thành lập 140 tổ an ninh trật tự bến bãi/7.464 thành viên tham gia đồng lòng sát cánh cùng lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Những Người có uy tín được thôn, bản bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với Nhân dân; có vai trò và ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương; vận động đồng bào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Có thể nói, diện mạo trên biên giới Thanh Hóa hôm nay đã và đang khởi sắc từng ngày. Đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Thành quả đó luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc trên biên giới, đặc biệt là già làng, trưởng bản, người có uy tín trên khắp các thôn, bản biên giới của tỉnh.

Vĩnh Sang, Thúy Hồng, Huyền Sâm, Văn Lợi, Phùng Thuỷ