Tại Hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp” được tổ chức mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có báo cáo tham luận về thực trạng việc quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng năm 2022 của tỉnh là 395.227 ha. Vỏ bao bì, rác thải nhựa trong sản xuất trồng trọt, bảo vệ thực vật ước tính 539 tấn. Ước lượng tiêu thụ thuốc BVTV trên địa bàn những năm gần đây khoảng 70-100 tấn/ năm, lượng vỏ bao gói thuốc thải ra môi trường khoảng 7-10 tấn. Hàng năm lượng bao bì nhựa, thiết bị nhựa…chứa đựng phân bón ước khoảng 40-50 tấn, phần lớn sau khi dùng xong, bao bì được thu gom tái chế hạt nhựa, hoặc tận dụng làm vật chứa, đựng trong gia đình, số lượng còn lại khoảng 2,5 - 3,0 tấn thải bỏ và chưa được thu gom, xử lý đúng quy cách theo quy định. 

12 nhua thanh hoa.jpg
Thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền giúp cộng đồng dân cư nhận thức về phòng chống rác thải nhựa.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 19.200 ha. Hoạt động nuôi lồng bè, giàn bè không sử dụng phao xốp mà sử dụng thùng phuy nhựa để nâng đỡ hệ thống lồng bè và các loại lưới lồng, dây cước. Việc phát sinh chất thải nhựa chủ yếu ở hoạt động nuôi thâm canh (tôm chân trắng, cá) và nuôi cá lồng… Toàn tỉnh có 6.259 tàu cá đang khai thác thủy sản. Đối với các tàu cá đi khai thác dài ngày trên biển, ngư dân phải chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, cùng với đó cũng mang lượng rác thải gồm vỏ chai nhựa đựng nước uống, vỏ lon nước ngọt, hộp, túi nilon đựng thức ăn. Ngoài ra còn có rác thải nhựa phát sinh từ các ngư lưới cụ hỏng như lưới khi đánh bắt, các dụng cụ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Trước những tác hại không nhỏ của rác thải nhựa, tỉnh đã thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền giúp cộng đồng dân cư nhận thức về phòng chống rác thải nhựa. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã thực hiện sử dụng chai thủy tinh, cốc thủy tinh tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và phòng làm việc thay thế cho các chai nước đóng sẵn. Một bộ phận người dân đã có ý thức giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách đem túi vải, làn đi chợ, bình nước cá nhân, đem hộp đựng khi đi mua thực phẩm, không sử dụng ống hút nhựa. Các xã ven biển thực hiện tổ chức dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải khu vực ven bờ biển định kì hằng tháng với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Tại các khu du lịch biển bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, tổ chức xây dựng các bể/thùng chứa rác tập trung để thu gom các vỏ vật tư, dụng cụ phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản như vỏ bao thuốc, thức ăn, chế phẩm; Kêu gọi, khuyến khích ngư dân khi đi ra khơi, mang rác về nhà, không xả rác ra biển. 

Với quyết tâm của chính quyền và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân đã từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang nuôi bán thâm canh, thâm canh áp dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất; sử dụng các loại dụng cụ có thể tái sử dụng nhiều lần để đựng các nhu yếu phẩm trên tàu khi đi khai thác thuỷ sản. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt chủ yếu hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến nên việc phát sinh rác thải, chất thải không nhiều, các nguồn rác thải, chất thải phát sinh trong quá trình nuôi được các cơ sở thu gom, xử lý theo quy định. 

Mặc dù nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về phòng chống rác thải nhựa trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên chưa đầy đủ, chưa thành thói quen, nếp sống của đại bộ phận người dân. Tại nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, chợ, trung tâm mua sắm, siêu thị việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon…vẫn còn diễn ra. Tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác thải tại các xã ven biển đặc biệt là lượng rác thải từ ngoài biển trôi dạt vào bờ; Trên địa bàn tỉnh các cơ sở đầu tư vào lĩnh vực tái chế nhựa còn rất ít, chưa có biện pháp tái chế các loại nhựa chết, nhựa cứng... 

Nhằm triển khai quản lý, kiểm soát chất thải nhựa trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, ngư dân và các hộ nuôi trồng thuỷ sản về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và đặc biệt là ảnh hưởng đến biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; Tiếp tục kêu gọi, khuyến khích người dân trong quá trình sản xuất nuôi trồng, khai thác thuỷ sản hạn chế phát thải rác thải nhựa; thu gom, tập kết rác thải nhựa đúng nơi quy định…

Phương Thúy và nhóm PV, BTV