Bám sát Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 21-10-2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền các cấp khu vực miền núi và các sở, ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp về công tác giảm nghèo để triển khai thực hiện.

Trong đó, các giải pháp được tập trung thực hiện là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo; hỗ trợ cho các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

{keywords}
Thanh Hóa: Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi cao hơn 1,7 lần bình quân.

 

Bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đoàn viên, hội viên nghèo tại các địa phương miền núi vươn lên trong cuộc sống thông qua thực hiện các mô hình phát triển sản xuất; mô hình giảm nghèo; câu lạc bộ phụ nữ thoát nghèo... qua đó đã giúp đỡ được nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Cùng với các giải pháp trên, nhiều chương trình, dự án, đề án tiếp tục được quan tâm đầu tư vào khu vực miền núi, đặc biệt là Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tổng nguồn vốn huy động trực tiếp thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 là 1.124.005 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương phân bổ 945.091 triệu đồng, còn lại là ngân sách địa phương và Nhân dân góp. Từ nguồn vốn trên đã thực hiện đầu tư xây dựng được 1.206 công trình các loại (giao thông, thủy lợi, trường học...); duy tu, bảo dưỡng hơn 130 công trình các loại; thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo; đào tạo cán bộ, cộng đồng thôn, bản...

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Thanh Hóa cũng đã ban hành một số chính sách cho đồng bào khu vực miền núi như: Đề án “Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa”, với tổng kinh phí giao từ năm 2016-2019 là trên 2 tỷ đồng; Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, giai đoạn 2017-2020, kế hoạch vốn giao là 6,177 tỷ đồng; Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020”, giai đoạn 2017-2020, kế hoạch vốn giao là 20,86 tỷ đồng (năm 2016 không giao vốn thực hiện); Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”, kế hoạch vốn được giao là 28,453 tỷ đồng (bắt đầu được giao vốn thực hiện từ năm 2017). Đến tháng 3-2020, đã thực hiện đầu tư được 5 công trình nhà văn hóa; 25 công trình đường giao thông các loại và công trình nước sinh hoạt tập trung.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn giảm 5,5%/năm (giai đoạn 2013-2015) và giảm 4,62%/năm (giai đoạn 2016-2019); thu nhập bình quân hộ nghèo 18 triệu đồng/năm, cao gấp 2,19 lần cuối năm 2015; có 1/7 huyện (huyện Như Xuân) thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 17,4% xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 8,12% thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi diện ĐBKK theo tiêu chí quy định; có 592/1.787 thôn, bản miền núi (sau khi sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới; có 63/225 xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Mạnh Hưng