Theo báo cáo của ngành chăn nuôi Thanh Hóa, toàn tỉnh có hơn 22,4 triệu con gia cầm. Bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi.

Hiện tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia cầm tại một số huyện miền núi còn thấp. Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, phạm vi rộng. Một số bệnh lại chưa có vắc xin, thuốc điều trị; chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng cao...

Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm trong thời điểm giao mùa, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai đến người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, triệt để phòng ngừa dịch cúm gia cầm bùng phát.

{keywords}
Bảo vệ gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh. 

Chủ động phòng, chống các loại bệnh trên đàn gia cầm, Cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp, như: Che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa; khi nhiệt độ môi trường giảm cần giữ ấm cho đàn vật nuôi, nhất là gia cầm non cần phải có chuồng úm, quây úm, đèn sưởi để cung cấp nhiệt cho phù hợp.

Chú trọng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh không để nước thải ứ đọng. Đối với các trang trại có quy mô lớn cần thực hiện nghiêm túc việc đào hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi.

Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để cách ly, theo dõi và điều trị. Nếu thấy có biểu hiện nặng và lây lan nhanh phải thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Về chế độ dinh dưỡng, cần cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng, hợp vệ sinh, bổ sung thêm các loại khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa... để tăng khả năng hấp thụ thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng. Đối với trâu, bò cần cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh.

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia cầm theo quy định. Mua giống vật nuôi mới về, cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất từ 10 đến 15 ngày. Khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới thả vào đàn nuôi cũ. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Khi có nhu cầu vận chuyển gia cầm, cần chú ý theo dõi thông tin về thời tiết để tránh vận chuyển vào những ngày có mưa, gió mùa, trời lạnh. Chú ý bảo đảm các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật để bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Đồng thời, tỉnh kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ gia cầm chết, gia cầm bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh và các trường hợp cố tình giấu dịch để bán tháo gia cầm.

Gia đình ông Trần Văn Ninh (Yên Hạ) đang nuôi hơn 1.000 con gà. Giai đoạn này, ông thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh, theo dõi dự báo thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ tiêu chuẩn cho đàn gà con.

Ngoài ra, ông mua thêm máy phát điện để phòng trường hợp cắt điện khiến nhiệt độ chuồng nuôi bị thay đổi đột ngột. “Thời tiết giao mùa, chuyển lạnh, vì thế tôi phải duy trì nhiệt độ ổn định cho chuồng trại. Tổng vệ sinh, giữ nơi nuôi nhốt khô ráo sạch sẽ và rắc vôi bột xung quanh để hạn chế mầm bệnh phát tác”, ông chia sẻ.

Ông Ninh cũng chuẩn bị bạt để che chắn khi có gió lạnh nhưng vẫn phải bảo đảm thông thoáng. Kiểm tra, khơi thông cống rãnh thoát nước, tránh tình trạng ứ đọng nước thải... Song song với công tác vệ sinh, tiêm phòng vắc xin theo quy định, ông bổ sung thêm thức ăn dinh dưỡng, thảo mộc từ nghệ, gừng, tỏi… tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Ông cho biết thêm, quá trình nuôi nếu phát hiện gia cầm có dấu hiệu nhiễm bệnh, ông sẽ báo cơ quan chức năng xuống theo dõi, kiểm tra và xử lý.

Minh Phúc