Công tác đánh giá cán bộ chuyển biến tích cực

Nhiệm kỳ qua, Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đạt kết quả nổi bật, dẫn đầu cả nước về giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Chú trọng đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; đã ban hành Kết luận số 26-KL/TU về thực hiện một số nội dung về công tác cán bộ trong Khâu đột phá thứ tư của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ để xiết chặt quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện trong công tác cán bộ.

{keywords}
Công tác cán bộ được xem là khâu “then chốt” của “then chốt”, vì vậy trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thanh Hóa tiếp tục có những đổi mới một số nội dung và cách làm.

Quán triệt và thực hiện đúng quan điểm của Đảng: “Đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá và đào tạo, bồi dưỡng vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài”, nên chất lượng công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được nâng lên.

Để khắc phục khâu yếu là đánh giá cán bộ, Tỉnh ủy đã ban hành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, làm cơ sở đánh giá, nhận xét cán bộ hằng năm và cả nhiệm kỳ. Việc bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tiếp tục được mở rộng dân chủ, có cạnh tranh. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện bài bản, bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

Thực hiện tốt luân chuyển gắn với bổ sung, kiện toàn kịp thời cán bộ ở các cấp

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, điều động, luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ là hoạt động bình thường của tập thể được trao thẩm quyền về công tác cán bộ. Các cán bộ được điều động, luân chuyển đều trong diện quy hoạch, có trình độ chuyên môn, chính trị lý luận đạt chuẩn, trên chuẩn, đã được đào tạo qua thực tiễn, các cương vị công tác, nhiều người trưởng thành từ cơ sở, được luân chuyển về địa phương, lên huyện, tỉnh, sang các ban, ngành công tác đã khẳng định năng lực thực tiễn, trình độ của mình.

Trước khi điều động, luân chuyển, đề bạt cán bộ, đơn vị, cấp quản lý trực tiếp, tập thể có thẩm quyền đã thực hiện quy trình đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, chú trọng xem xét phong trào ở địa phương, thành tích của tập thể với trách nhiệm của người đứng đầu, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Việc sắp xếp cán bộ gắn với bố trí đảm nhiệm các chức danh chủ chốt không là người địa phương, bảo đảm cơ cấu định hướng, nhất là cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, tiếp tục đào tạo cán bộ trong hoạt động thực tiễn và khẳng định vai trò phân công, các cá nhân phục tùng phân công của tổ chức. 

Từ luân chuyển cán bộ diện hẹp, năm 2012, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định và triển khai thực hiện hai khâu đột phá là đánh giá cán bộ và điều động, luân chuyển cán bộ. Cùng với việc ban hành Nghị quyết 04 về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến, tuyển chọn cán bộ, công chức sinh năm 1970 trở lại đây đưa đi nước ngoài đào tạo, nhằm tạo thêm nguồn cán bộ kế cận, tỉnh Thanh Hóa xây dựng, cập nhật các hướng dẫn mới ban hành hoàn thiện, áp dụng quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là mở rộng kênh đánh giá, lấy hiệu quả công việc làm thước đo trong đánh giá cán bộ. Trên cơ sở quan tâm phát hiện đối tượng nguồn, thực hiện quy hoạch “động và mở”, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, khoa học, biện chứng, khách quan, sâu sát, cụ thể trong đánh giá cán bộ, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh điều động, luân chuyển cán bộ.

Theo số liệu của Ban tổ chức tỉnh ủy, ừ tháng 6/2012 đến tháng 7/2020, Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển 1.824 lượt cán bộ các cấp, ngành. Trong đó, có 67 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về các huyện, 59 đồng chí từ huyện lên tỉnh, 24 cán bộ từ huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy huyện và tương đương quản lý được điều động, luân chuyển 301 lượt cán bộ về các xã, 151 lượt cán bộ từ xã lên huyện; điều động, luân chuyển 382 đồng chí từ xã này sang xã khác và 840 lượt cán bộ các cấp, ngành. Đồng thời, Thanh Hóa bố trí các chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương nên đến nay 25/27 huyện, thị xã, thành phố có một trong ba chức danh chủ chốt không là người địa phương; trong tỉnh có 502 đơn vị cấp xã, chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số xã, phường, thị trấn bố trí một trong ba chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND không là người địa phương.

Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt định hướng chỉ đạo về công tác cán bộ, nhất là bố trí kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ, công chức. Hiện, 100% các huyện, thị xã, thành phố bố trí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND cấp huyện; Trưởng các Ban Xây dựng Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp huyện kiêm Trưởng các Ban của HĐND huyện; 559 xã, phường, thị trấn bố trí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã, đạt tỷ lệ 100% và nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, bản, khu phố đạt tỷ lệ gần 46%... Qua đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực, góp phần tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhờ thực hiện tốt công tác cán bộ trong nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã tạo nền tảng căn bản, lâu dài trong nhiệm kỳ tiếp theo. Minh chứng là tại đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên cơ sở vừa qua, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại tất cả các đảng bộ cấp trên cơ sở, kết quả bầu cử tập trung, đúng định hướng, số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu của đề án và danh sách nhân sự được biểu quyết thông qua tại đại hội, bầu 1 lần đủ số lượng cần bầu. Các đồng chí trúng cử chức danh bí thư với tỷ lệ phiếu trúng cử đạt từ 95% trở lên. Các đồng chí được các đại hội bầu vào cấp ủy lần này đều trong diện quy hoạch được phê duyệt và trong danh sách do cấp ủy khóa trước giới thiệu.

Những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ thời gian qua đã giúp Thanh Hóa gây dựng được đội ngũ cán bộ có khát vọng cống hiến, đây là cơ sở, điều kiện để Thanh Hóa tiếp tục vững bước tiến lên, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tiến Anh