Thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu qua hơn 20 thị trường trên thế giới. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Quatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE) chiếm tỷ trọng 73,6 % về lượng và 56,6 % về giá trị; các nước Châu Âu (Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha) chiếm tỷ trọng 18,1 % về lượng và 28,7 % về giá trị; Châu Mỹ (Canada, Mỹ) chiếm tỷ trọng 8,1 % về lượng và 9,3 % về giá trị và Châu Đại dương (Úc, New Zealand). Đây là những thông tin được ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đưa ra tại hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức mới đây.
Ông Tấn cho biết, năm 2021, tỉnh Bình Thuận được tham gia Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam”. Dự án chú trọng các hoạt động chính: Thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu. Cụ thể là tập trung hỗ trợ kỹ thuật khuyến nông và đào tạo về thương mại điện tử, lập kế hoạch kinh doanh thanh long xanh và áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, sử dụng vật tư đầu vào hướng đến giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất và chế biến; sử dụng đèn led để chiếu sáng, tưới nhỏ giọt, sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống tưới. Bên cạnh đó là quảng bá phát triển thương hiệu cho sản phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận; Hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long; Kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải carbon thấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Dự án được triển khai trên 04 hợp tác xã/doanh nghiệp tại 3 huyện với tổng số người hưởng lợi là 4.495 người, trong đó số người hưởng lợi trực tiếp là 1.038 người (chiếm 23,09%) và số người hưởng lợi gián tiếp là 3.457 người (chiếm 76,91%); ưu tiên các hợp tác xã là nữ lãnh đạo và thanh niên quản trị.
Hiện đã có 100% hộ thành viên hợp tác xã/doanh nghiệp đã sử dụng đèn Led 9W, tiết kiệm được từ 55-78% điện năng tiêu thụ; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giảm khoảng 41,67% lượng nước; ứng dụng nhật ký điện tử “Chuỗi thanh long xanh”; sản xuất đạt chứng nhận GlobalG.A.P giúp các hợp tác xã/doanh nghiệp có đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu hàng đi thị trường cao cấp. Qua đào tạo tập huấn đã thay đổi tập quán canh tác, nhận thức về sản xuất thanh long được nâng cao; hợp tác xã/doanh nghiệp lập được kế hoạch kinh doanh xanh, từ đó chủ động sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, đầu ra sản phẩm được tích hợp đa giá trị.
Những hỗ trợ từ Dự án đã được tỉnh Bình Thuận triển khai có hiệu quả. Đặc biệt thông qua Hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch minh bạch sản phẩm và sản xuất có trách nhiệm đã xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, xác lập tính cạnh tranh trên thị trường. Đầu năm 2022, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử được thiết lập tại các hợp tác xã, doanh nghiệp thanh long ở Bình Thuận. Hệ thống được phát triển với sự tham vấn của nông dân địa phương, cho phép theo dõi thời gian thực và truy cập vào số liệu thống kê cập nhật về lượng khí thải carbon. Từ 50 ha ban đầu trang trại thanh long có thể truy xuất nguồn gốc, hệ thống đã mở rộng theo cấp số nhân lên 269 ha và hiện đang tích cực thu hút 188 hộ gia đình thực hành các phương pháp xanh trên bốn chuỗi cung ứng thanh long của Bình Thuận. Tính đến tháng 12/2023, khoảng 8.640 lượt héc-ta trang trại thanh long - tương đương 23.300 tấn thanh long - đã được theo dõi phát thải carbon[VB1] .
Có thể nói hệ thống truy xuất nguồn gốc này là sản phẩm hết sức quý giá cho ngành nông nghiệp Bình Thuận thúc đẩy phát triển hướng xanh, sạch; góp phần thực hiện canh tác thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Các hoạt động trên cũng là minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huệ Anh