Bệnh Cúm gia cầm (Avian Influenza) là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do vi rút cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6.
Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người với tỷ lệ cao (vi rút cúm A/H7N9).
Cúm gia cầm là dịch bệnh nguy hiểm với ngành chăn nuôi. Ảnh minh họa: Thu Hà |
Gia cầm khi mắc bệnh thường có biểu hiện chính như: giảm ăn, sốt cao, ho, thở mạnh, khó thở, chảy nước mắt, chảy nước dãi ở mỏ, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông đặc biệt ở chân, da tím tái, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết nhanh. Có con có biểu hiện về thần kinh như đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, mệt mỏi.
Từ tháng 1 - 3/2021, cả nước xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm, số gia cầm tiêu hủy lên đến 100 nghìn con. Tình trạng này gây khoang mang cho các hộ chăn nuôi.
Trước nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao. Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, UBND thành phố Thái Bình (Thái Bình) đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn, toàn thành phố Thái Bình có trên 300 trang trại, gia trại và gần 2.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, đàn gia cầm là 194 nghìn con.
UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương phối hợp khoanh vùng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống không để lây lan thành dịch.
Ảnh Thu Hà |
Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi bằng hóa chất hoặc vôi bột.
Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi; thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tổ chức ký cam kết, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách ly, quản lý bò bệnh, không bán chạy, giết mổ bò bệnh. Thực hiện vệ sinh, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc diệt côn trùng và mầm bệnh bên ngoài. Đồng thời, triển khai tổ chức đồng loạt tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng từ ngày 10/3 đến ngày 10/4 và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt đại trà từ ngày 15/3 đến ngày 5/4. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 65%. Thành phố đã cấp phát gần 34 lít hóa chất và gần 500kg vôi bột để các địa phương phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Xã Gia Bình là khu vực tập trung nhiều hộ chăn nuôi của thành phố Thái Bình. Xã xác định tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho vật nuôi.
Gia đoạn hiện nay, xã Tân Bình đang tập trung tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10/4.
Đồng thời tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt gia súc, qua đó kịp thời ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người.
Để việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương thì còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân, nhất là việc vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giảm thiểu tình trạng dịch bệnh trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống.
Khánh Hòa