Theo ông Phong, việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức sẽ được làm quyết liệt trong tháng 1 này, để tạo sự chuyển động mạnh mẽ.
Vấn đề trước mắt là ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự của TP Thủ Đức, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của cán bộ, công viên chức, cùng người dân và doanh nghiệp.
Trung tâm hành chính quận 2 được chọn làm trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức |
Về lâu dài, sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới, đưa TP Thủ Đức trở thành “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về lộ trình thực hiện công tác nhân sự, người đứng đầu chính quyền TP.HCM, cho biết sẽ tập trung 3 giai đoạn:
Từ ngày 1/1 đến 7/2/2021, kiện toàn bộ máy và chính thức đi vào hoạt động để lập các ban, tổ bầu cử kịp ngày bầu cử cùng cả nước.
Từ ngày 7/2 đến 23/5/2021 tiếp tục kiện toàn bộ máy để tiến hành công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.
Từ ngày 23/5 trở đi, các cơ quan chức năng của TP.HCM và TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện bộ máy, chính sách để TP Thủ Đức đi vào hoạt động.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để chính quyền TP Thủ Đức đi vào hoạt động hiệu quả cao nhất.
Cần cơ chế đặc thù để TP Thủ Đức phát triển
Tại buổi tham vấn của MTTQ Việt Nam TP.HCM diễn ra hồi tháng 12/2020, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó GĐ Công an TP.HCM, cho biết thành lập TP Thủ Đức ngang cấp huyện thì vẫn bị trói buộc, vẫn phải xin ý kiến nhiều tầng khác gì “bình mới rượu cũ”.
Do đó, ông Minh cho rằng, đi đôi với các bước triển khai cấp thiết phải cần một cơ chế đặc thù bằng một Nghị quyết của Quốc hội để tăng thẩm quyền cho TP này.
Trao đổi riêng với VietNamNet, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong, cho biết đang xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức trình Trung ương xem xét.
Theo Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Sẽ cố gắng xin cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức trong quý 1/2021 |
“Đây là việc cần làm ngay, để tăng nguồn lực cho TP Thủ Đức phát triển vượt qua khuôn khổ đơn vị hành chính quận, huyện. Những đề suất cơ chế gì thì chưa thể nói cụ thể, nhưng quan trọng nhất là phải phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho TP Thủ Đức. Để, trong một vài lĩnh vực, cơ chế lãnh đạo TP Thủ Đức có thể quyết ngay mà không cần xin phép hay trình lãnh đạo cấp trên”, ông Phong chia sẻ.
Ông Phong cũng khẳng định, TP.HCM cố gắng xin cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để được phê duyệt trong quý 1/2021.
Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ Nội vụ, TP.HCM cũng thống nhất đề xuất thành lập Phòng Khoa học Công nghệ tại TP Thủ Đức (các quận, huyện của TP.HCM không có phòng này).
Theo ông Phong, TP Thủ Đức phát triển trên nền tảng không gian sáng tạo tương tác cao nên vai trò của khoa học công nghệ rất quan trọng.
“Trong Nghị quyết của Quốc hội có giao cho Chính phủ xem xét cơ chế đặc thù của TP Thủ Đức để báo cáo Quốc hội, giúp TP Thủ Đức phát triển. TP.HCM mong Trung ương tạo điều kiện để sớm ban hành Nghị định này, giúp TP Thủ Đức phát triển xứng với tiềm năng sẵn có của một đô thị hiện đại”, ông Phong bày tỏ.
Những hạng mục cần đầu tư ngay
Về kế hoạch đầu tư, ông Phong cho biết, đối với phát triển hạ tầng đô thị sẽ tập trung lập quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức.
Chú trọng quy hoạch phát triển theo định hướng phát huy vai trò của các cực tăng trưởng trọng yếu của TP Thủ Đức. Lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm.
Đầu tư hạ tầng giao thông để TP Thủ Đức sớm phát huy tiềm năng sẵn có |
Trong đó, tập trung triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức. Đáng chú ý như: trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam, khu đô thị cảng Trường Thọ…
Đối với phát triển hạ tầng giao thông, phải nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2040; mở rộng mạng lưới giao thông tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng hiện hữu của TP Thủ Đức với các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025, như: hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông; cải tạo rạch Bình Thái, phường Trường Thọ; công trình chống sạt lở bờ sông Sài Gòn khu vực cầu Bình Lợi; hoàn chỉnh và vận hành 3 cống ngăn triều kết hợp trạm bơm của dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mở rộng và nâng cấp nhiều tuyến đường, như: xây đường và cầu Bà Cả, đường và cầu Tám Táng; Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Bưng Ông Thoàn, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, quốc lộ 13, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp, Tô Ngọc Vân; Lương Định Của; xây dựng tuyến vành đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, quốc lộ 1.
Xây dựng trạm ép rác tại các điểm đã quy hoạch, trạm trung chuyển rác theo công nghệ mới; xây dựng công viên Trung tâm đa chức năng kết hợp với hồ điều tiết khu vực phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh; xây dựng bệnh viện quy mô 1.000 giường tại phường Trường Thạnh; giải tỏa và chuyển đổi công năng sử dụng đất, kết hợp chỉnh trang đô thị tại nghĩa trang Văn Giáp và Trần Hưng Đạo.
Tăng cường mảng xanh (khoảng 1 triệu cây xanh) tại các công viên, các tuyến đường để TP Thủ Đức trở thành hình mẫu phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường của TP.HCM.
TP Thủ Đức - động lực tăng trưởng mới của TP.HCM
TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP cho TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước, là động lực mới để TP.HCM tăng trưởng nhanh và bền vững.
Hồ Văn - Bảo Anh