Thông tin tại chương trình kiểm tra, giám sát công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo huyện Thạnh Phú ngày 19/11 cho thấy qua tổng hợp từ các xã, thị trấn, hiện huyện Thạnh Phú (Bến Tre) có 826 hộ nghèo, tỷ lệ 2,11%, giảm 0,39% so với đầu năm 2024; hộ cận nghèo 635 hộ, tỷ lệ 1,62%, giảm 0,45%. Như vậy, so với cuối năm 2023, số hộ nghèo, cận nghèo ở đây đã giảm hơn 300 hộ.
Năm 2024, nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững bố trí cho huyện Thạnh Phú có 9,1 tỷ đồng, phân bổ cho dự án đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đây là nguồn hỗ trợ quý, giúp địa phương triển khai các hoạt động giúp đỡ người dân nghèo, cận nghèo có cơ hội vươn lên.
Tại xã An Qui, huyện Thạnh Phú, đầu năm 2024, toàn xã còn 38 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,8%; 49 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,4%. Trong năm 2024, song song với việc sửa chữa 2 tuyến đường giao thông nông thôn giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá tốt hơn; thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo về hỗ trợ tiền điện, nước, bảo hiểm y tế, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo duc, xã phối hợp triển khai, thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế.
Năm nay, địa phương tiếp tục nhân rộng 5 dự án với mô hình nuôi bò sinh sản với tổng số 36 hộ tham gia. Trong đó, có 24 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo. Tổng kinh phí thực hiện hơn 747 triệu đồng.
Dự án phát triển sản xuất có 10 dự án với các mô hình chăn nuôi dê sinh sản, trồng trọt, nuôi tôm - lúa… với 52 hộ tham gia, trong đó, có 25 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 8 hộ mới thoát nghèo. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng (hiện địa phương đã triển khai, thực hiện được 5 dự án).
Đánh giá kết quả công tác giảm nghèo trong năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,32% so với năm 2023, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,53%.
Trên toàn huyện Thạnh Phú, việc triển khai thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được các cấp, các ngành và địa phương thực hiện thường xuyên. Công tác họp mặt, đối thoại hộ nghèo, hộ cận nghèo được huyện quan tâm. Phòng LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức họp mặt, đối thoại hộ nghèo, hộ cận nghèo 18/18 xã, thị trấn. Hoạt động này giúp các ngành, các cấp nắm được tâm tư, nguyện vọng của hộ dân để xây dựng kế hoạch thực hiện và có chính sách vận động hỗ trợ phù hợp.
Huyện thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là về y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, vay vốn sản xuất chăn nuôi, dạy nghề, giới thiệu việc làm...
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể được phát huy trong việc tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình, nhất là trong việc vận động, huy động đóng góp của cộng đồng, hỗ trợ người nghèo về nhà ở, xây dựng các mô hình về giảm nghèo và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nghèo.
Đơn cử, tại xã An Qui, ngoài các dự án nằm trong nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ xã triển khai, thực hiện các mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững, Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi hỗ trợ người nghèo và các đối tượng khác để mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. 394 hộ được giải ngân vay vốn với tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng.
Hoạt động tập huấn kỹ thuật cho hội viên nông dân xã được chú trọng, nhằm phát huy và tối ưu giá trị sinh kế đang có. Hội nông dân xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Phú tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ cho 40 hội viên; 3 lớp nuôi tôm càng xanh cho 124 hội viên; điều tra 120 hộ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa...
Tại xã Bình Thạnh, hộ bà Nguyễn Thị Miền ở ấp Thạnh Bình vốn là hộ nghèo. Năm 2024, lần đầu tiên hộ đã được thoát nghèo nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể giúp trao tặng bò giống làm sinh kế sản xuất, hộ này còn được hỗ trợ kinh phí xây căn nhà kiên cố thay cho nhà lá tạm bợ. Thoát nghèo rồi, vợ chồng bà Miền tự nhủ phấn đấu hơn để được bền vững, không tái nghèo.
Theo đánh giá giám sát về hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở huyện Thạnh Phú, việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình đúng mục đích, có hiệu quả. Từ việc triển khai hiệu quả các dự án, chương trình đã giúp cho cuộc sống của đại đa số hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế trên địa bàn huyện dần được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Cụ thể, trong 3 năm (2021-2023), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,8 triệu đồng lên 75 triệu đồng/người/năm.