{keywords}
98,9% hộ gia đình tại TPHCM thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Ảnh: EVN

Theo báo cáo tổng kết Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công của UBND TP.HCM, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ công trên địa bàn ngày một tăng trưởng, thậm chí vượt chỉ tiêu. Chẳng hạn, đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, Tổng Công ty Điện lực thành phố đã phối hợp với 22 ngân hàng và 11 tổ chức trung gian thanh toán để triển khai thu tiền điện không dùng tiền mặt. Kết quả, tính đến 31/10/2020, số hộ gia đình (tính theo số công tơ điện) trên địa bàn thành phố thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là 2.375.050 hộ gia đình trên tổng số 2.401.467 hộ gia đình, đạt tỷ lệ 98,90%, hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao.

Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, các Công ty cấp nước thuộc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đều đã liên kết với các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán để thu tiền nước qua nhiều kênh thanh toán khác nhau, đáp ứng được nhu cầu thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt của người dân và hiện các công ty cấp nước của thành phố đều không thu tiền nước tại nhà khách hàng, đáp ứng chỉ tiêu được giao.

Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, hiện nay, các cơ sở y tế công lập đều đã triển khai thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt bằng các hình thức thanh toán qua máy POS, chuyển tiền qua tài khoản. Bên cạnh đó, một số bệnh viện đã triển khai mô hình kết nối phần mềm thanh toán của ngân hàng và phần mềm khám chữa bệnh của bệnh viện (Bệnh viện Đại học Y dược thành phố, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện quận Thủ Đức…), triển khai nhiều phương thức thanh toán như kios thanh toán tự động, thanh toán qua thẻ khám chữa bệnh tích hợp tính năng thanh toán, thanh toán quét mã QR Code qua thiết bị di động… Kết quả, đã có 54 bệnh viện thuộc thành phố chấp nhận thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 100%.

UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình ngân hàng đại lý; quy định về định danh khách hàng điện tử (eKYC) nhằm hỗ trợ các ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán có cơ sở hoạt động tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn; cũng như tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán cho người dân ở khu vực nông thôn.

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán tăng cường các chính sách ưu đãi về các khoản phí khi kết nối, sử dụng phần mềm quản lý và phí thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch thanh toán trong lĩnh vực dịch vụ công…

Hải Lam

Người dân 5 địa phương sắp thanh toán online nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục đất đai

Người dân 5 địa phương sắp thanh toán online nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục đất đai

Ngay trong tháng 11/2020, thành phố Đà Nẵng và 4 tỉnh Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Long An sẽ kết nối, tích hợp và tổ chức việc thanh toán online nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.