Ninh Thuận có ngư trường trọng điểm, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, khí hậu đặc thù nắng ấm quanh năm thuận lợi cho phát triển du lịch biển, thuận lợi phát triển công nghiệp năng lượng. 

Trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh có trên 38 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất khoảng 2.585,6 MW, vận hành thương mại phát điện trên 5,6 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế biển. Hiện, Ninh Thuận đang phối hợp với các bộ, ngành quy hoạch các dự án Điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, cảng cạn và trung tâm logistics, tổng kho xăng dầu, công nghiệp chế biến hóa chất từ muối nhằm kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế biển.

Đối với khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, hiện nay tỉnh đã tổ chức sản xuất khai thác hải sản theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nguồn khai thác hải sản của tỉnh tăng trưởng ổn định hằng năm đáp ứng nhu cầu của công nghiệp chế biến. 

Nắm bắt lợi thế về bờ biển đẹp, Ninh Thuận đã chú trọng phát huy tiềm năng du lịch biển. Du lịch tại địa phương đã có những bước chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm, các điểm đến được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.

du lịch Ninh Thuận .jpg
Khách du lịch tham quan Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Phương Thanh.

Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh Ninh Thuận những năm qua đã tập trung chỉ đạo, thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển.

Tháng 9/2023, Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, định hướng của tỉnh từ nay tới năm 2020 sẽ ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực đột phá, quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế biển, xúc tiến đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển theo hướng công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Hoàn thành thủ tục đầu tư dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná giai đoạn 1 quy mô 1.500 MW. Đến năm 2025, ngành năng lượng ven biển chiếm 35-36% trong kinh tế biển. 

Đối với du lịch, Ninh Thuận đặt mục tiêu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, công tác tuyên truyền quảng bá, hình thành và khai thác hiệu quả tuyến du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa với các tuyến du lịch quốc gia, gắn với phát huy, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc, nhằm phát huy thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của Ninh Thuận.

Đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đón 6 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 5.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển công nghiệp ven biển, Ninh Thuận xác định phát triển đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường gắn với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến thủy sản, công nghiệp hóa chất, sản xuất muối, sản phẩm sau muối, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu.

Về khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, hướng tới khai thác và bảo tồn. Trong đó, Ninh Thuận đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Xây dựng và đầu tư hạ tầng các trung tâm nuôi trồng thủy sản như An Hải, Nhơn Hải, Sơn Hải. Đầu tư xây dựng các bến cảng, bến thủy nội địa hành khách phục vụ du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ, Mũi Dinh.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản trên đất liền đạt 500-600 ha, trên biển khoảng 1.000 ha; sản lượng khai thác đạt 110-150 nghìn tấn.

 UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển. Tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, xử lý các vấn đề môi trường biển của tỉnh bao gồm ô nhiễm môi trường biển, axit hóa đại dương và các vấn đề liên quan khác. 

Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm có biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. 

Phương Thanh