Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các ban ngành, đoàn thể đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 như: hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi; hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế... Cùng với đó, các ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo được thành lập nhằm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ từng thôn, làng, hộ nghèo; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, huy động cán bộ, đảng viên cùng vào cuộc.
Thay đổi cách nghĩ, nếp làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. |
Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ; phối hợp với phòng kinh tế, trạm khuyến nông mở các lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học-kỹ thuật, tổ chức các nhóm trao đổi kinh nghiệm làm ăn kết hợp với việc tuyên truyền về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, giáo dục con em. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tăng cường vận động hội viên, nông dân tích cực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình; ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mùa vụ. Ủy ban MTTQ và các phường, xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, vật chất hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, giếng nước sạch…
Với gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, trong 5 năm qua (2015-2020), tỉnh Gia Lai đã từng bước xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô lớn, giúp nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định.
Trước đây, việc thăm hỏi, giúp đỡ hộ nghèo chỉ tập trung từng đợt thì nay các tổ chức, đoàn thể thường xuyên có mặt ở thôn, làng tìm hiểu nhu cầu của địa phương cũng như từng hộ nghèo, qua đó có cách hỗ trợ phù hợp về phương tiện sản xuất, cây-con giống, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể, huyện đã phân công 32 cơ quan giúp đỡ 48 hộ nghèo và 37 cơ quan phụ trách 37 làng đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã tự lực vươn lên, vượt qua đói nghèo để có cuộc sống ổn định.
Là hộ nghèo được Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện giúp đỡ về phương thức làm ăn, chị Nay Yân (làng Hlốp, xã Chư Don) cho biết, nhà chị có 4 sào lúa nước và 4 sào mì. Mặc dù chị quanh năm lam lũ mà vẫn nghèo. Nguyên nhân là bởi phương thức canh tác lạc hậu. Mới đây, gia đình chị được hỗ trợ giống lúa mới, được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo sạ, bón phân. Ruộng lúa nhà chị vì vậy trở nên xanh tốt, hy vọng đạt năng suất cao. Trước đó, gia đình chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua giống mì cao sản về trồng. Sau vụ thu hoạch năm 2018, chị đã trả được nợ vay ngân hàng, số tiền lãi 10 triệu đồng chị lại dành mua giống mì về trồng tiếp, phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ thoát nghèo. “Gia đình mình cảm ơn sự giúp đỡ của cán bộ nhiều lắm. Nhờ đó mà gia đình đã biết cách làm ăn, chi tiêu hợp lý, cuộc sống đỡ khó khăn hơn trước nhiều rồi”-chị Yân chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhờ sự hỗ trợ trực tiếp đến từng địa chỉ đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người nghèo và tạo ra động lực, hướng phát triển giúp bà con thoát nghèo hiệu quả.
Cuối năm ngoái, toàn tỉnh có hơn 400 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, hơn 4.500 hộ cấp tỉnh, hơn 16.600 hộ cấp huyện, hơn 40.000 hộ cấp cơ sở. Số hộ có thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm tăng nhanh qua các năm và ngày càng có nhiều số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh đã đi vào chiều sâu, thu được kết quả khả quan. Hiện nay, toàn tỉnh còn 34.873 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,4%. Tính riêng năm 2018, toàn tỉnh đã có 9.993 hộ thoát nghèo. Diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã thay đổi rõ rệt.
Văn Hùng