Để giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, Bắc Ninh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách thiết thực, bù đắp các chiều thiếu hụt đặc biệt về y tế, giáo dục, việc làm...

Cụ thể, học sinh là con hộ nghèo đang học tại các cấp phổ thông được miễn, giảm một phần học phí; người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2023, tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động với 1.357 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 2,18%…

Hộ nghèo ở Bắc Ninh được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền điện theo quy định... 

Tại Bắc Ninh, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến hết tháng 6/2024 đạt hơn 4.000 tỷ đồng, với 76.536 khách hàng, tăng hơn 110,4 tỷ đồng so cuối năm 2023. Điều đáng mừng là 3 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo giảm 53,7 tỷ đồng, do hiện nay số lượng các đối tượng này giảm mạnh.

Cùng với các chính sách khác, chương trình tín dụng ưu đãi góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3,53% năm 2015 xuống còn 0,59% năm 2023, hộ cận nghèo giảm từ 3,6% năm 2015 xuống còn 1,02% năm 2023.

Quan trọng nhất, từ các chính sách nhân văn, kịp thời từ Trung ương và địa phương, các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Bắc Ninh ngày càng nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ về giảm nghèo, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm... Bởi để giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, ngoài sự đồng lòng chung sức của hệ thống chính trị, điều cốt lõi là người nghèo phải tự thân vận động, quyết tâm nỗ lực, không trông chờ, ỷ lại.

the bhyt
100% người nghèo, cận nghèo ở Bắc Ninh được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 

Gia đình chị Hoàng Thị Bình, thôn Lai Tê, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, Bắc Ninh trước đây thuộc diện hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi cá, mang lại nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Chị chia sẻ hiện nay, gia đình có hơn 1ha nuôi cá, mỗi năm cho thu hoạch 2 lứa với tổng doanh thu khoảng 200 triệu đồng.

Tương tự, gia đình chị Đỗ Thị Thoan, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh cũng thoát nghèo đầu năm 2023 sau 2 năm sử dụng hiệu quả nguồn vốn 100 triệu vay từ nguồn cho hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội huyện. 

Tiếp cận nguồn vốn là chưa đủ, gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gà, cá và cây ăn quả, động viên nhau chăm chỉ lao động, tận dụng kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, gia đình chị từng bước đưa việc sản xuất, chăn nuôi ổn định hơn và có lợi nhuận.  

Mở rộng các chính sách an sinh xã hội theo hướng đa chiều

Để giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, các giải pháp phải tập trung triển khai đồng bộ, đảm bảo 3 yếu tố: Đa chiều, bao trùm và bền vững. HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với những mức chuẩn nghèo phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Bắc Ninh nâng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo cao hơn Trung ương 250.000 đồng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt xã hội cơ bản:

- Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin...

Bắc Ninh cũng rất quan tâm các đối tượng thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, tỉnh này tiếp tục mở rộng các chính sách an sinh xã hội theo hướng đa chiều, đặc biệt là nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Kết quả rà soát hộ nghèo mới nhất cuối năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh cho thấy Bắc Ninh có tổng số 3.422 hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, đời sống khó khăn (chiếm tỷ lệ 0,92% so với tổng số hộ dân cư) tương ứng 8.762 người. Trong đó, số người không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo 6.262 người (chiếm 71,46%). Số người thuộc hộ nghèo nhưng trong độ tuổi lao động có khả năng lao động khoảng 2.500 người (chiếm 28,54%).

Với mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo, Nghị quyết số 06 có hiệu lực từ ngày 10/7/2024 của tỉnh Bắc Ninh quy định mở rộng các chính sách an sinh xã hội đối với các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định hiện hành, đồng thời hỗ trợ thêm cho các nhóm đối tượng là thành viên thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh, đảm bảo tiêu chí thu nhập cao hơn mức chuẩn nghèo.

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ đối tượng là thành viên thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh (trừ người trong độ tuổi lao động vẫn còn khả năng lao động) không thuộc đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với mức hỗ trợ khu vực nông thôn 1.800.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 2.300.000 đồng/người/tháng.

Với các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo đang hưởng trợ cấp hằng tháng, bên cạnh mức trợ cấp xã hội hiện hưởng, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm bảo đảm hằng tháng các đối tượng ở khu vực nông thôn được hưởng là 1.800.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 2.300.000 đồng/người/tháng (số tiền hỗ trợ này đã bao gồm mức trợ cấp xã hội hằng tháng hiện hưởng theo quy định của Chính phủ).

Với thành viên thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh đã được phê duyệt, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 70% tổng kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm (Trung ương đã hỗ trợ 30%). 

Đây là sự cụ thể hóa giải pháp lồng ghép thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.