- Không có một chủ trương nào vẹn được cả đôi đường, mọi cá nhân, tổ chức đều phải chịu hy sinh quyền lợi riêng của mình vì lợi ích chung của quốc gia.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
Bộ trưởng Thăng: Chưa thay đổi giờ làm tuần sau!
Đổi giờ học giờ làm để tránh tắc đường
Thay đổi giờ làm sẽ gây xáo trộn lớn?


Thực hiện giải pháp đưa ra một cách quyết liệt

Mọi người hãy thử các giải pháp đã đưa ra, mọi người hãy áp dụng trước đã rồi hãy tính xa. Nếu 100 người thấy thuận lợi và vài người thấy khó khăn thì vài người đó phải vì 100 người kia, chứ đừng vì 1một chút khó khăn của mình mà muốn cả triệu con người phải sống trong khổ sở. Bộ trưởng hãy cứ làm quyết liệt. Người dân không đồng tình thì đừng bao giờ yêu cầu cải cách. Sai thì bộ trưởng chịu trách nhiệm, còn đúng thì dân nhờ. Anh Huy, Email: anhhuydng@...

Tôi hoan nghênh những giải pháp quyết liệt của bộ trưởng Đinh La Thăng. Để giải quyết lâu dài vấn nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn cần phải huy động tất cả các bên có liên quan vào để làm. Đó là bộ xây dựng không cấp phép xây nhà cao tầng ở trung tâm, di dời các cơ quan bộ ngành, trường đại học, cao đẳng ra ngoài; Bộ công thương quy định không cho phép dùng lòng đường vỉa hè kinh doanh để dành đường cho người đi bộ và phương tiện giao thông; Bộ giao thông vận tải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân vào thành phố, có quy định phạt nghiêm túc tất cả những ai vi phạm khi tham gia giao thông. Email: hungdm@...

Các bạn hãy quan sát ngoài đường, có bao nhiêu người đi xe máy trở theo một người trên một xe? Tôi thì thấy rằng trên khắp các nẻo đường của Hà Nội thì đa số mọi người đi một mình một  xe, rất ít người đèo theo một người khác. Số người đèo trẻ em đi học cũng không nhiều so với lưu lượng người tham gia giao thông. Điều đó cho thấy nếu bố trí lệch giờ làm sẽ giảm được số người lưu thông cùng một thời điểm. Phần lớn các gia đình không bị ảnh hưởng nhiều do thay đổi thời gian khi đưa đón con nhỏ. Đối với gia đình tôi cũng có con nhỏ đi học cấp 1 thì được lợi rất nhiều vì không ảnh khi thay đổi thời gian; sẽ không bị tắc đường nhiều do đó tiết kiệm ít nhất 100 ngàn vnđ/1 tuần; thần kinh không bị căng thẳng ;sức khỏe được đảm bảo; tiết kiệm được thời gian để chăm lo cho gia đình, sức khỏe bản thân...Ủng hộ 100% quyết định thay đổi giờ làm này vì lợi ích cộng đồng, vì lợi ích số đông, vì lợi ích môi trường, vì lợi ích quốc gia.  Nhân, Email: gdp2028@...

Tôi đồng ý với quan điểm của Bộ Trưởng. Nếu ai cũng kể lể khó khăn thì chẳng thể quản lý và cải cách được gì, quan trọng là ai đủ can đảm suy nghĩ giải pháp và ai đủ nghị lực và quyết đoán thực hiện? Các bạn muốn giữ nguyên cách lưu thông như hiện nay thì có khi đón con về đến nhà là 21h rồi, chưa kể là không thể đón con nhỏ đúng thời gian. Vì vậy không nên bàn lui mà hãy tiếp sức để Bộ trưởng tiếp tục cải cách và tìm giải pháp. Email: vuhodac@...

Không có một chủ trương nào vẹn được cả đôi đường, mọi cá nhân tổ chức đều phải chịu hy sinh quyền lợi riêng của mình vì lợi ích chung của quốc gia. Tôi hoàn toàn đồng tình với thử nghiệm, với cách làm này của ông bộ trưởng. Nhưng đây chỉ là biện pháp trước mắt. Ùn tắc giao thông là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm nay. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này là cả một lộ trình dài hơi. Việc chuyển các trường đại học, bệnh viện hạn chế nhà cao tầng ở nội đô là cần thiết nhưng chưa thể áp dụng tức khắc. Thay đổi giờ làm là biện pháp trước mắt và tôi nghĩ là sẽ mang lại hiệu quả tức thì cần phải tiến hành ngay. Trần Hậu Định, Email: trandinh.ht@...

Ảnh minh họa
Phải làm nhiều việc đồng thời


Tôi ủng hộ tinh thần quyết liệt của Bộ trưởng Thăng, nhưng phải thực hiện nhiều việc đồng bộ và có hiệu quả cao: kiên quyết di chuyển ngay một số bệnh viện lớn và các trường Đại học ra ngoại thành. Không tái xây dựng các khu chung cư cũ mà biến thành các công viên cây xanh, khu giải trí thể thao phục vụ cộng đồng (bài học của Thành phố Bắc Kinh nhân dịp chuẩn bị cho Olimpic 2008). Các khu đô thị mới phải có quy định nghiêm ngặt hệ số sử dụng đất, chỉ xây các tòa cao tầng, cấm xây liền kề và biệt thự. Nếu làm ngay, sau 3 năm Hà Nội sẽ hết ùn tắc. Đỗ Mạnh Hùng, Email: hungdm@...

Khi chúng ta đưa ra một quyết định cần thận trọng để tính hiệu quả bền vững. Hiện nay đường quá hẹp chưa đầu tư phù hợp nhưng vẫn phê duyệt đầu tư nhà cao tầng trong nội đô, như vậy không phù hợp. Vì nhà tăng thì người tăng, phương tiện tăng lại tắc đường. Tại sao không kiên quyết dừng đầu tư nhà cao tầng. Thủ đô các nước như Berlin, London rất ít nhà cao tầng, trong đó giao thông ngầm đã có cách đây gần thế kỷ. Giải pháp phân làn đang thất bại với 24 tỷ không hiệu quả. Tại sao không quy định đường cho từng tuyến xe ôtô riêng, xe máy riêng vì dân ta không có văn hóa xếp hàng nên đường đông là chen lấn, nếu đường dành riêng thì xe máy không chen lấn ôtô và công an dễ kiểm soát. Đường quốc lộ thì phải kiên quyết phân làn tránh TNGT do lấn đường. Ngọc hữu, Email: huungoc55@...

Hiện tại cơ quan nhà nước bắt đầu làm việc từ 7h30 nhưng thực tế hiếm khi nào ở Hà Nội xảy ra tắc đường từ 7h15 trở về trước, mà từ 7h15 đến 7h30 thì đường khá đông và tắc đường nghiêm trọng nhất là trong khoảng 7h30 đến 8h30. Cho nên việc điều chỉnh lại giờ làm sẽ không mang lại hiệu quả thực tế. Nếu làm được thì chỉ cần yêu cầu toàn bộ công chức có giờ làm việc 7h30 phải đi làm đúng giờ là giảm bớt tắc đường ngay. Tuy nhiên trong số những người đi làm muộn lại có những người là do nhu cầu cấp thiết của cuộc sống chẳng hạn như đưa con đi học. Cho nên để có giải pháp toàn diện thì cần phải linh hoạt, ai cần đi làm muộn thì đăng ký giờ làm việc muộn lệch 1 - 1,5h so với giờ chính thức, đến muộn về muộn. Vợ chồng một nhà nếu cần thì đi làm lệch giờ nhau cho linh hoạt, người làm sớm về sớm lo nghĩa vụ việc nhà buổi chiều, người làm muộn về muộn lo nghĩa vụ việc nhà buổi sáng. Phan Van Tuan, Email: tuanphan0402@...

Giảm ùn tắc vấn đề ở đây là phải giảm số lượng người tham gia giao thông. Đề xuất di dời các trường đại học có từ lâu mà đến nay thực hiện vẫn dậm chân tại chỗ. Tôi nghĩ phải di dời các trường đại học, cao đẳng càng nhanh càng tốt. Không kể đến số lượng sinh viên rất lớn mà còn phải kể đến số lượng người chạy theo các dịch vụ cho sinh vên cũng không nhỏ. Mong bộ trưởng đóng góp ý kiến với UBND thành phố để triển khai vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Với những gì Bộ trưởng đã từng đóng góp và xây dựng tập đoàn dầu khí phát triển như ngày hôm nay, tôi đang rất tin tưởng và ủng hộ bộ trưởng. Chúc thành phố của chúng ta sớm vươn tầm cỡ giống các thành phố lớn trên thế giới. Quang huy, Email: huybk52@...

Một số cách làm đơn giản, hiệu quả

Phải tổ chức thực hiện đưa đón học sinh bằng xe bus, vừa an toàn, quản lý tốt con cái và tránh tắc đường trong việc di chuyển và chờ đợi trước cổng trường. Về biện pháp tổ chức: mỗi cháu chỉ cần đóng 300.000 đ /tháng, các xe tư nhân sẵn sàng tham gia. Xe bus 50 chỗ thiết kế lại cho trẻ em có thể chở được 60 chỗ. Làm một phép tính ta thấy, mỗi tháng xe sẽ thu về: 300.000 đ x 60= 18.000.000/1tháng, đây là mức lợi cao đối với xe hợp đồng. Tương tự thực hiện với nhân viên các công ty, đơn vị sự nghiệp. Và chỉ cần giờ lao động bắt đầu từ 8h là hợp lý để xe đi đón. Nhân, Email: cuongquoc_vn@...

Học tập các nước khác. Tôi đi nước ngoài ít nhưng nhìn thấy có mấy mô hình nên áp dụng: Như ở Hàn Quốc: Xe Bus, xe chở khách 24 chỗ trở lên được ưu tiên tuyến giữa và không có bất kỳ phương tiện nào được đi vào, các điểm đón trả khách có cầu vượt sang các bên, các đường cho phương tiện giao thông khác có thể tắc cứng nhưng tuyến xe bus không bao giờ tắc, luôn đúng giờ, mà nếu đúng giờ không tắc đường thì ai chẳng thích đi. Với Hà Nội thì áp dụng các quy hoạch mới nên làm ngay (Như mấy đường mới làm mấy năm nay như Phạm Hùng, Trần Thái Tông... giờ lại tắc cứng khi cao điểm) còn các đường nội đô hiện tại thì đường nào có giải phân cách rộng giữa đường cũng nên bỏ làm đường xe bus.

Ở Mỹ: Có xe bus chỉ chở học sinh và có màu cùng hình dạng đặc trưng là màu vàng, với xe này được trợ giá và đặc biệt ưu tiên mọi cung đường. Nếu Hà Nội làm được thì điều chỉnh giờ làm của bố mẹ sẽ không ảnh hưởng nhiều. An VP, Email: anvp19@...

Theo tôi nếu thay đổi giờ làm việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì nên thí điểm thay đổi giờ của hai khối, ngành là giờ học của khối sinh viên Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và giờ làm việc, khám chữa bệnh của các bệnh viện vì vào giờ cao điểm khối này đóng góp rất nhiều trong việc lưu thông. Mặt khác, khối này cũng ít liên quan đến quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước và các ngành khác hơn. Quoc Chinh, Email: dutoan08@...

Nhiều bạn đọc lo ngại thay đổi giờ làm, giờ học sẽ làm xáo trộn cuộc sống và cũng không giải quyết được nhiều vấn đề kẹt xe; thực tế cũng rất nhiều loại hình doanh nghiệp khó thay đổi giờ làm. Nên chăng chỉ thay đổi giờ làm của các tổ chức, cơ quan chính quyền, nhà nước (muộn hơn so với hiện nay); như vậy cũng giúp cho người dân thuận tiện trong việc giao dịch, liên hệ với các cơ quan này. Ngoài ra cũng xem xét thay đổi giờ làm, giờ mở cửa một số loại hình, tổ chức khác, sẽ ít tác động đến số đông người dân. Thanh Bình, Email: Thanhbinh80192@...

  • Ban bạn đọc