- Để hội nhập quốc tế, chất lượng, quy trình xét, công nhận, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS và việc phân cấp quản lý sẽ được thay đổi từng bước, được thông báo trước để các ứng viên kịp chuẩn bị và mặc dù có được thay đổi ít nhiều, nhưng về cơ bản vẫn được được giữ ổn định.

GS.TSKH. Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), cho biết rằng những thay đổi từng bước này sẽ không gây sốc, sẽ không làm thiệt thòi cho các ứng viên và phải được xã hội chấp nhận, ủng hộ. Một Ban Soạn thảo, Trưởng ban là GS. TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm Phó Chủ tịch HĐCDGSNN, với nhiều thành viên, đã được thành lập.

{keywords}

Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS

năm 2015

Có lộ trình phân cấp cho cơ sở

Những dự kiến thay đổi từ HĐCDGSNN là gì, thưa ông?

- Những thay đổi sắp tới xuất phát từ chính yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Các quy định cũ về GS, PGS, đội ngũ cao nhất của nhà giáo, cần được thay đổi để tăng cường chất lượng khoa học và phù hợp với chuẩn mực, cách làm của khu vực ASEAN và quốc tế.

Một nội dung quan trọng mà trong lần sửa chữa, bổ sung này sẽ được chú ý là xây dựng lộ trình và tiêu chí để từng bước nhưng khẩn trương  phân cấp công việc này cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, như các nước đã làm.

Mặc dù đã phân cấp, nhưng ở nhiều nước vẫn có một tổ chức quốc gia chịu trách nhiệm bảo đảm mặt bằng chất lượng khoa học so với thế giới. Điều này rất quan trọng và cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chúng ta phải tuân thủ một nguyên tắc rất quan trọng trong đổi mới và cải cách giáo dục là khi tiếp cận cái mới, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến của thời đại phải từng bước, có lộ trình, có quá trình chuẩn bị công phu, khoa học và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, không được gây sốc, không được làm thiệt thòi cho những người trong cuộc và phải được xã hội chấp nhận, ủng hộ.

Mọi sự thay đổi từng bước các quy định, tiêu chí phải được thông báo trước để cho các ứng viên GS, PGS kịp chuẩn bị và các thành viên hội đồng giáo sư các cấp, các cơ sở giáo dục đại học phải biết trước, đồng thuận và ủng hộ.

Những thay đổi lần này về việc xét, công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS được tiến hành với sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành, mà quan trọng nhất là Bộ GD-ĐT. HĐCDGSNN là một trong số các cơ quan phối hợp.

"Sẽ xây dựng lộ trình và tiêu chí để từng bước nhưng khẩn trương  phân cấp việc xét, công nhận, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện, như các nước đã làm".

Văn phòng HĐCDGSNN đang nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để trình HĐCDGSNN xem xét, quyết định và kiến nghị Ban Soạn thảo xin ý kiến của 31 thành viên HĐCDGSNN, các thành viên của 28 Hội đồng chức danh giáo sư ngành/ liên ngành (HĐCDGSN/LN), các thành viên Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGSCS) và các cơ sở giáo dục đại học, cả xã hội (qua báo chí hoặc internet) về những nguyên tắc sửa đổi, những nội dung cụ thể và sản phẩm cuối cùng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, đã và đang trực tiếp chỉ đạo để bảo đảm chất lượng khoa học và tiến độ công việc.

Sự “chuyển mình” này liệu có phải là đã muộn không, thưa ông?

- Muộn hay không so với thời điểm nào? Nếu so với yêu cầu hội nhập ASEAN và quốc tế thì có thể nói là hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không.

Trong mọi quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, ngoại giao thì hội nhập về văn hóa, giáo dục, khoa học và nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế. Trong các công cụ hội nhập quốc tế sang thế kỷ XXI thì tiếng Anh, công nghệ thông tin và truyền thông là tiên quyết.

Đối với 2 tiêu chí quan trọng là tiêu chí tính điểm bài báo khoa học và tiêu chí về ngoại ngữ, ông có thể cho biết sẽ thay đổi ra sao?

- Yêu cầu về bài báo khoa học là một trong các tiêu chuẩn chính để nâng cao chất lượng khoa học của ứng viên. 

Yêu cầu về ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh, là một đòi hỏi tự nhiên của thời đại ngày nay. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (và trước đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân) luôn yêu cầu cao về hai tiêu chí này trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ GS, PGS. Chúng tôi vui mừng vì điều đó.

Hai tiêu chí này sẽ có sự thay đổi, nhưng là thay đổi từng bước, có lộ trình được thông báo trước để ứng viên GS, PGS và xã hội kịp chuẩn bị, không gây sốc.

{keywords}

Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015 (Ảnh Văn Chung)

Trong tổng số 356 tạp chí khoa học của Việt Nam chỉ có 3 tạp chí nằm trong danh sách ISI, Scopus

Danh mục các tạp chí được tính điểm khi đăng bài có gì khác trước không? Sắp tới, các tạp chí trong nước có thay đổi hay nâng cấp gì không, thưa ông?

- Danh sách các tạp chí khoa học trong nước được HĐCDGS các cấp tính điểm sẽ được xem xét, kiểm tra, rà soát lại thật kỹ lưỡng, điểm số cho các bài báo trong đó cũng sẽ được tính toán chặt chẽ, khoa học và phù hợp với giá trị và chuẩn mực quốc tế.

Vừa qua, HĐCDGSNN và Thường trực các HĐCDGSN/LN đã rà soát danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm năm 2016. Thường trực HĐCDGSNN đã đánh giá sơ bộ và có các yêu cầu về chất lượng khoa học ngày càng chặt chẽ.

Theo đó, điều khó khăn và lâu dài nhất vẫn là việc nghiêm túc phấn đấu để nâng cao chất lượng khoa học của các tạp chí khoa học Việt Nam, để sớm có thêm những tạp chí được xếp hạng trong số 10.200 tạp chí ISI hoặc 18.500 tạp chí Scopus trên thế giới.

So với những yêu cầu và chuẩn mực quốc tế thông thường về nội dung, chất lượng khoa học và thể thức, hình thức trình bày, các tạp chí và bài báo khoa học của nước ta còn phải được cải tiến, nâng cao hơn nhiều nữa thì mới có thể ngày càng tiếp cận quốc tế được.

Một điều quan trọng là đề nghị ban biên tập các tạp chí chú trọng yêu cầu phản biện khoa học thật nghiêm túc (người phản biện có thể ở trong hoặc ngoài nước một cách phù hợp) để nâng cao chất lượng khoa học của bài báo. Việc hoàn thiện theo các quy định quốc tế về hình thức đối với các tạp chí thì đơn giản hơn nhiều, có thể làm sớm được.

Tham khảo cách làm khoa học của khu vực và thế giới, HĐCDGSNN đang phối hợp với ĐHQGHN, Trường ĐHBKHN và một số cơ sở giáo dục đại học để lập nên một Website về chỉ số trích dẫn của các tạp chí khoa học Việt Nam (Vietnam Citation Index/VCI). Website này sẽ là cơ sở khoa học tin cậy để HĐCDGS các cấp xếp hạng và đánh giá chất lượng khoa học các tạp chí khoa học Việt Nam và các bài báo được đăng ở trong đó. 

Trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015, trong số 28 HĐCDGSN/LN chỉ có 3 HĐCDGSN/LN (Vật lý, Toán học và Công nghệ thông tin) có 100% ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có công bố quốc tế với nhiều bài ISI và Scopus. Ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của 10 HĐCDGSN/LN chưa có công bố quốc tế.

Còn về tiêu chí ngoại ngữ, các ông sẽ thay đổi như thế nào để việc sử dụng ngoại ngữ không chỉ là trên giấy và không “gây cười”?

- Chị dùng chữ “gây cười” làm tôi hơi khó hiểu và cũng “buồn cười”. Càng ngày các ứng viên GS, PGS của chúng ta càng thể hiện rõ trình độ ngoại ngữ nói chung và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt hơn, không có các hiện tượng “gây cười”.

Theo tiêu chí hiện nay, ứng viên GS, PGS phải thành thạo một ngoại ngữ bất kỳ trực tiếp phục vụ chuyên môn và phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. Có quy định rõ thế nào là “thành thạo” và “giao tiếp được” và có cơ chế khoa học để kiểm tra, đánh giá.

Nhưng cũng phải nói rằng khả năng “giao tiếp được” bằng tiếng Anh của một số ứng viên GS, PGS, cũng như của học sinh, sinh viên, thanh niên… của nước ta nhìn chung còn hạn chế, trước hết là so với khu vực láng giềng ASEAN.

Nhưng cũng đáng mừng là một số GS, PGS cũ hoặc  mới, trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ hoặc khoa học xã hội và nhân văn có nhiều công bố khoa học quốc tế uy tín cao, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Họ là những nhà khoa học giỏi, những người tích cực trong quan hệ quốc tế hoặc đi du học về bằng học bổng 322, 911 của Chính phủ Việt Nam và quốc tế.

Ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, cùng với CNTT/IT-ICT là hai công cụ chiến lược trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Từ 15 năm trước Bộ Chính trị đã sáng suốt ban hành Chỉ thị 58 phát triển CNTT và hiện nay nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực này. Nhưng tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay vẫn đang là “vùng trũng” của ASEAN. Trong tình trạng như vậy, chúng ta sẽ hội nhập và hợp tác như thế nào với ASEAN và quốc tế?

Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã khởi xướng Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 để góp phần đắc lực khắc phục tình trạng này. Ngày 19/5/2015, tôi đã có bức tâm thư ngỏ gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng kiến nghị Bộ Chính trị ra một chỉ thị, một quốc sách về tiếng Anh tương tự như Chỉ thị 58 về CNTT.

Nhân nói về GS, PGS, tôi xin kiến nghị Đảng và Nhà nước rằng, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh chóng và bền vững, để thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, thì cách tốt nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, cụ thể và dễ làm nhất là hãy quốc tế hóa căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam, giữ gìn cốt cách Việt, từ tư duy đến hành động, từ triết lý giáo dục cho đến mọi thiết kế kỹ thuật như chương trình, sách giáo khoa, thi cử, đánh giá, quản lý, phục vụ sản xuất, đóng góp xã hội…

Nói riêng, thế hệ trẻ Việt Nam phải thành thạo hai công cụ chiến lược của thời đại ngày nay đó là CNTT và tiếng Anh.

Bài học này được rút ra từ sự phát triển thần kỳ của các quốc gia “con rồng” như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản, …

- Xin cảm ơn ông!

  • Ngân Anh (thực hiện)