- Lời toà soạn: Chiến lược về phát triển đại học cách đây hơn 10 năm có nêu “đến năm 2020, Việt Nam có trường xếp hạng 200 thế giới”. Ngày 6/6, trong phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng GD-ĐT, Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng đã nêu thông tin Việt Nam vừa có 2 đại học lọt vào bảng xếp hạng “top 1.000”. Sáng 7/6, tổ chức xếp hạng đại học của Anh là Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố bảng xếp hạng thế giới QS 2019, trong đó ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm 701-750, còn ĐHQG Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000. Kết quả này được giới làm giáo dục đại học đón nhận với những tâm thế khác nhau.

Đừng quá kỳ vọng: Xếp hạng cao đồng nghĩa với chất lượng cao

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG TP.HCM, cho rằng đây là năm thứ 2, ĐHQG TP.HCM chủ động cung cấp số liệu cho tổ chức đánh giá xếp hạng đại học. Kết quả không nằm trong dự đoán, nhưng là sự nỗ lực tối đa của ĐHQG này.

“Chúng tôi luôn mong muốn ở vị trí cao nhất nhưng kết quả này tương xứng với khả năng của mình. Chúng tôi hiểu rằng, mình nỗ lực thì nhiều trường đại học khác cũng nỗ lực không kém. ĐHQG TP.HCM hi vọng lọt vào top 1.000 thế giới vào những năm sau nhưng kết quả đã đến sớm hơn dự kiến 1-2  năm” – ông Chính cho biết.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với sinh viên ĐHQG TP.HCM. 

 

“Xếp hạng là một tín hiệu tốt để kiểm định chất lượng nhưng đừng quá kỳ vọng xếp hạng cao thì chất lượng cao. Chúng tôi hay nói rằng nếu mình không tham gia thì các tổ chức xếp hạng cũng sẽ làm. Mục tiêu chúng tôi là nâng cao hệ thống đảm bảo chất lượng, chất lượng giảng dạy khoa học. Với những bảng xếp hạng có uy tín, khi có chất lượng, nhất định sẽ lọt vào”- ông Chính bày tỏ.

Với vị trí hiện tại để vươn lên top 200 như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra từ năm 2007 theo ông Chính “là chuyện không tưởng”.

Còn theo GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, “các kết quả đạt được trong những năm vừa qua tuy còn khiêm tốn, nhưng là bước tiến quan trọng”.

Trao đổi với báo chí, GS Đức cho biết thêm: Nhiều nhà quản lý giáo dục tiếp tục quan điểm “tiềm lực của một quốc gia không phải được đo bằng số máy bay và tàu chiến hiện đại mà phải bằng số lượng trường đại học xuất sắc. Đó là lý do nhiều quốc gia đã ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho phát triển đại học”. Ông dẫn chứng Trung Quốc đã có 40 trường, Nga có 27 trường lọt vào bảng 1.000 này; hay Malaysia cũng “góp” 13 trường.

50% tiêu chí có khách quan?

Trong khi đó, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng Quản lý phát triển khoa học công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng bày tỏ: “Tôi chúc mừng 2 ĐHQG. Hãy để mọi người vui vẻ, nhưng mọi người sẽ hiểu ra”. 

{keywords}
Tiêu chí xếp hạng của QS

TS Út cho rằng những bảng xếp hạng coi nhẹ tiêu chí nghiên cứu, coi trọng tiêu chí cảm tính sẽ không khách quan. “QS có tới 50% tổng số tiêu chí đến từ sự đề cử của các chuyên gia và nhà tuyển dụng trên toàn thế giới là không rõ ràng”. TS Út nhìn nhận việc đánh giá 20% tiêu chí nghiên cứu thông qua trích dẫn Scopus còn “cào bằng” vì Scopus cũng có nhiều loại và chất lượng khác nhau.

Tuy nhiên, ông Út cho rằng sự kiện “lọt top 1.000” có giá trị nhất định, có ý nghĩa riêng. Lưu ý của ông là “thế giới có hàng chục nghìn đại học nhưng chỉ hơn 4.000 đại học nộp dữ liệu cho QS. Trong khi đó, có những bảng xếp hạng khách quan sẽ tự xếp hạng chứ không yêu cầu trường nộp hồ sơ. Hiện tại có 4 tổ chức Academic Ranking of World Universities (Trung Quốc), CWTS Leiden Ranking (Hà Lan), Center for World University Rankings (Ả Rấp thống nhất), NTU Ranking (Đài Loan) tự định hình đại học thông qua những công bố quốc tế”.

Trong khi đó TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT đánh giá sự kiện “lọt top 1.000” là cột mốc quan trọng cho thấy đại học Việt Nam đã chấp nhận cuộc chơi đánh giá theo tiêu chuẩn toàn cầu, dù thứ hạng hiện tại vẫn còn rất khiêm tốn.

Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới cũng  xuất hiện trong bảng xếp hạng này và đạt thứ hạng cao. Điều đó cho thấy xếp hạng của QS không chênh lệch nhiều so với các bảng khác”.

Theo ông Tùng, điểm yếu nhất là đại học Việt Nam là vị trí xếp hạng khi so sánh với các trường trong khu vực như Malaysia, Brunei, chưa nói đến Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong bảng xếp hạng QS 2019, trường có thứ hạng cao nhất của Malaysia giành được vị trí thứ 87, trong khi các trường của Brunei cũng nằm trong top 300-400.

Các trường theo đuổi mục tiêu riêng

PGS.TS Võ Đình Bảy, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - một trong số 83.000 nhà khoa học được QS mời đánh giá các trường – cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, QS là lựa chọn phù hợp cho các đại học Việt Nam.

PGS Bảy cho rằng, mặc dù có thể QS được đánh giá không “khó” bằng một số bảng xếp hạng khác nhưng mỗi trường có một mục tiêu phấn đấu riêng. “Hãy cứ để họ theo đuổi vì tương lai sinh viên của họ”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – một trong những nhà khoa học được QS mời bỏ phiếu bầu xếp hạng cũng nói “Tôi bỏ phiếu cho 2 ĐHQG vì tới thời điểm này không còn đơn vị nào xứng đáng hơn, đây lại là các cơ sở “gom” nhiều trường đại học khác”.

“Có nhiều lý do khiến các trường ĐH Việt Nam không lọt vào những bảng xếp hạng uy tín trên thế giới và phải chấp nhận điều này”, ông Dũng nói.

Và theo phân tích của ông, các lý do đáng kể là “nghèo”. Chẳng hạn, một số bảng uy tín tập trung vào đánh giá ISI hoặc nghiên cứu khoa học. Nếu chạy theo xếp hạng mà tập trung vào nghiên cứu khoa học sẽ rất tốn tiền. Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực ở VN hiện nay rất cần sinh viên ra trường có kỹ năng lao động giỏi. Một điều nữa, các tổ chức xếp hạng yêu cầu tỷ lệ sinh viên quốc tế cao trong khi các chương trình dạy bằng tiếng Anh ở VN còn hạn chế, khó thu hút sinh viên quốc tế. Ở nước ngoài do học phí cao, một lớp chỉ 1-2 sinh viên cũng đủ chi trả cho giảng viên. Còn ở VN, Nhà nước đặt ra mức học phí phù hợp với thu nhập của người dân, nên các đại học lấy số lượng bù chi phí; do đó VN khó lòng mà có thứ hạng đẹp ở tiêu chí “tỷ lệ sinh viên/giảng viên”.

Ông Dũng cho biết, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM không chạy theo xếp hạng mà đào tạo làm sao để sinh viên ra trường có chất lượng, lương cao.

“Hiện nay các trường đại học đã được tự chủ, đăng ký xếp hạng theo tổ chức nào là quyền của họ. Với những tổ chức xếp hạng có tính thương mại, trường nào có tiền thì đăng ký tham gia”- ông Dũng nói. 

TS Lê Trường Tùng:

“Hầu hết các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Việt. Điều này làm hạn chế giao lưu quốc tế; hạn chế giảng viên, sinh viên nước ngoài; hạn chế các chương trình trao đổi sinh viên; trao đổi giáo trình; hợp tác quốc tế… Sử dụng tiếng Anh trong trường đại học sẽ nâng tầm lên, nên về mặt lâu dài, các trường phổ thông phải dạy tiếng Anh cho tốt”.

Trong một bài viết đăng tải trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần hồi tháng 9/2017, TS Phạm Thị Ly – một nhà nghiên cứu giáo dục đại học – nhìn nhận:

"Xếp hạng ĐH chỉ là một công cụ. Nếu các bảng xếp hạng đo mức độ hài lòng của người sử dụng lao động đối với sinh viên của mình, hay quy mô và tầm vóc của các doanh nghiệp khởi nghiệp do sinh viên của trường đề xướng, thì các thước đo ấy sẽ kích thích các trường tập trung vào những giá trị thực sự mà nhà trường có thể mang lại cho người học và phù hợp với mong đợi của xã hội. Đã có rất nhiều trường ĐH trên thế giới “nói không” với các bảng xếp hạng, trong đó có những trường cực kỳ xuất sắc, như ĐH Kỹ thuật Olin được xem là trường đào tạo kỹ thuật tốt nhất thế giới cũng không có tên trong bất cứ bảng xếp hạng nào".

Một nhà khoa học trẻ có nhiều thành tựu đang công tác tại một trong những trường thành viên của 2 ĐHQG nói trên bày tỏ rằng sự kiện này đem lại niềm vui và cả những nỗi ưu tư, bởi mình tiến lên một bước thì xung quanh tiến lên cả chục bước, trong bối cảnh giàu và đầu tư cho khoa học công nghệ tốt hơn. Theo anh, để trụ hạng và nâng hạng, phải đầu tư mạnh hơn nữa vào các nhóm nghiên cứu cũng như thay đổi chính sách để hợp với lòng người.

Nhìn nhận ở tác dụng tích cực, TS Trần Công Quí Miyata - hoạt động trong môi trường giáo dục đại học Nhật Bản hơn 30 năm - cho rằng, để tiếp tục nâng cao vị thế của đại học Việt Nam trong khu vực, cần chú trọng tới các hoạt động khoa học như hướng dẫn sinh viên phương pháp làm việc khoa học, tăng cường đội ngũ giáo sư có hợp tác và giao lưu tốt với nước ngoài. Đề xuất quan trọng không kém là cải thiện lương bổng cho giảng viên để chấm dứt tình trạng không toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu.

Lê Huyền – Nguyễn Thảo

5 điều cần làm để đại học Việt Nam ngang hàng trong khu vực

5 điều cần làm để đại học Việt Nam ngang hàng trong khu vực

Cần cải thiện lương bổng cho giảng viên và nâng chất lượng giáo sư đủ sức hợp tác với nước ngoài để nâng cao vị thế đại học Việt Nam trong khu vực.

Việt Nam xếp hạng tốt về chính sách hỗ trợ giáo dục đại học quốc tế

Việt Nam xếp hạng tốt về chính sách hỗ trợ giáo dục đại học quốc tế

Việt Nam là một trong số các quốc gia trong khu vực được đánh giá cao về tính cởi mở, khung đảm bảo chất lượng và tính bền vững.  

Xếp hạng đại học: Đua hay không đua?

Xếp hạng đại học: Đua hay không đua?

Ý tưởng thúc đẩy việc xếp hạng đại học và những quan ngại về điều này đã được đặt ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam" diễn ra sáng 11/4 tại Hà Nội.

Xếp hạng đại học: Singapore dẫn đầu, TQ nổi lên, VN vắng tên

Xếp hạng đại học: Singapore dẫn đầu, TQ nổi lên, VN vắng tên

ĐH Quốc gia Singapore là trường đại học hàng đầu châu Á năm thứ 3 liên tiếp – theo bảng xếp hạng thường niên của Times Higher Education (THE).

Việt Nam tụt hạng chỉ số tiếng Anh trên bảng xếp hạng toàn cầu

Việt Nam tụt hạng chỉ số tiếng Anh trên bảng xếp hạng toàn cầu

Việt Nam đứng vị trí thứ 34 trong số 80 quốc gia được đánh giá

'Đại học Việt Nam có thể thử sức với xếp hạng QS'

'Đại học Việt Nam có thể thử sức với xếp hạng QS'

Hai chủ đề "nóng" của giáo dục đại học Việt Nam đã được bàn thảo và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo Xếp hạng và Quản trị đại học sáng 26/10.