- Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức hội nghị đổi mới đào tạo y khoa. Trong buổi chiều ngày 26/11, thầy và trò của ngôi trường có điểm đầu vào và chất lượng đào tạo được đánh giá đứng đầu cả nước đã trao đổi băn khoăn, lo lắng trong quá trình dạy và học, cũng như về quyết tâm đổi mới để có sự công nhận quốc tế. 

Góc nhìn của thầy

{keywords}

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh: Văn Chung

 

GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ “Tôi không bi quan về chương trình đào tạo hiện tại của trường. Hầu hết những bác sĩ được đào tạo từ Trường ĐH Y Hà Nội đều là những người rất khá, không thua kém”.

Tuy nhiên, ông Việt cũng đưa ra những so sánh trong việc đào tạo trước đây với hiện nay: “Các thế hệ trước thường được các giáo sư giảng dạy về triệu chứng học. Bây giờ, phần này thường do các giảng viên trẻ đảm nhiệm, có những người còn chưa nắm kỹ.

Ngày xưa, thời gian của các thầy cô chủ yếu dành cho giảng dạy. Bây giờ, các thầy cô còn đi mổ, đi làm đủ thứ. Các thầy cô cũng cần nhìn lại xem mình dã dành đủ thời gian cho sinh viên chưa”.

Ông Việt cũng nhận xét chương trình học của trường đang dồn nén một khối lượng lý thuyết lớn lên sinh viên. “Bộ môn nào cũng bảo cần. Chỉ đến khi thầy cô có con theo học tại trường, thấy con mệt mỏi vì học mới thông cảm cho sinh viên”.

Về thời lượng học lâm sàng, theo ông Việt, cũng cần xem xét lại. “Học y là học nghề mà học lâm sàng không nhiều thì đòi sinh viên phải giỏi là bất cập”.

Cũng theo ông Việt, sinh viên y có kỹ năng giao tiếp chưa thật sự tốt. Việc gảing dạy lâm sàng cũng cần thay đổi. “Không nên tiếp tục chuyện mấy chục sinh viên cùng gõ lên lồng ngực một người bệnh để kiểm tra. Trước nay có cảnh thầy giảng, trò ghi chép. Nhưng nếu sinh viên đọc trước, trình bày theo nhóm, thầy đóng góp ý kiến, tức là sinh viên phải tự học, thì tốt hơn”.

Còn PGS Phạm Nhật An, Bộ môn Nhi, cho rằng quá trình đổi mới sẽ không dễ dàng. Ví dụ như việc chuyển đổi phương pháp học, lấy sinh viên làm trung tâm, “Nhưng một lớp 200 sinh viên thì không cách gì lấy sinh viên làm trung tâm được”.

Ông An cũng cho rằng nếu như trước đây lấy bệnh viện làm nơi học chính, thì bây giờ cần xem xét cả phương thức của một số trường đại học y lớn của thế giới, cộng đồng cũng sẽ là nơi học tập của sinh viên y.

Đồng quan điểm với ông Việt, ông An cũng nhận định chương trình hiện tại nặng quá, phải giảm bớt. Và dù đầu vào của nhà trường rất tốt, nhưng sinh viên cần khắc phục hai điểm yếu là ngoại ngữ và kỹ năng làm việc nhóm.

“Có hai hướng đổi mới đào tạo để không lạc hậu. Thứ nhất là cập nhật các chương trình đào tạo của thế giới, và thứ hai là xây dựng bản thân để thế giới công nhận” - PGS. TS Nguyễn Hữu Ước phân tích. Ông Ước cho rằng nên dựa vào một mô hình đã được thế giới công nhận để theo, bởi “nếu chúng ta tự lực rồi bảo chúng ta giỏi mà không ai công nhận thì không được”.

“Các vấn đề cần tập trung đổi mới, và đổi mới liên tục, là xây dựng nội dung đào tạo có chuẩn đầu ra phù hợp; Xây dựng chương trình đào tạo để sinh viên phải tự tư duy, tự thực hành nhiều hơn. Người thầy cũng phải nhìn lại năng lực của mình, về chuyên môn, công nghệ thông tin, kỹ năng giảng dạy, độ nhiệt tình... Từ đó xây dựng lộ trình để người thầy cũng phải thay đổi” – ông Ước khẳng định. 

Sinh viên muốn gì?

Ngồi lẫn giữa sinh viên, PGS Phạm Trọng Văn, Bộ môn Mắt, cho biết ông xuống đây để lắng nghe ý kiến của các em. “Sinh viên bảo học nhiều quá, nhiều môn không cần thiết như kinh tế y tế, y tế công cộng. Các em muốn tập trung học chữa bệnh, những môn khác ra trường nếu cần sẽ học bổ sung sau.

Sinh viên cũng nhận xét một số bộ môn, đặc biệt bộ môn cơ sở, nhiều thầy giảng bài như đọc thuộc lòng. Nếu giảng thế các em ở nhà mở sách ra tự đọc cũng được. Thời khoá biểu xếp cũng chưa thực sự hợp lý”.

Sinh viên Tăng Văn Dũng, lớp Y5B, cũng thay mặt bạn bè nói lên ý kiến. Sinh viên nói tới thực trạng khi học lâm sàng có những khoa nhỏ nhưng có tới 60 sinh viên vào, “lượng sinh viên đông hơn bệnh nhân nên để học tốt là khó. Chúng em cũng mong mỏi thầy cô thu xếp thời gian giảng lâm sàng nhiều hơn. Nhiều thầy cô chỉ có 20 – 30 phút bình luận một ca bệnh, rất khó để chúng em hỏi nhiều hơn và đưa ra các tình huống khác nhau”.

Đáp lại những ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng nhà trường khẳng định công tác đào tạo của trường phải đổi mới, và đổi mới liên tục. Ông Hinh đưa ra các vấn đề mà trường sẽ làm ngay. Thứ nhất là giảm tải chương trình học. Thứ hai là bố trí lại việc học lâm sàng”. Ông Hinh cũng nhấn mạnh “Sinh viên phải chủ động học. Như hiện nay, các bạn vẫn thể hiện việc học còn thụ động”.

Về việc sử dụng chương trình nhập khẩu, ông Hinh cho biết có những nơi nhập chương trình về với giá 1 triệu USD, và bỏ ra thêm khoảng 10 triệu USD để Việt hoá. “Đó là điều không tưởng đối với trường này. Nhưng trường sẽ nhận hỗ trợ của nước ngoài nếu được. Nếu mua được chương trình tốt sẽ mua, dù có thể chỉ áp dụng được 50, 60% nhưng vẫn còn hơn là tự ngồi vẽ ra…”.