- Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã vắng bóng trước công chúng gần 3 tuần; Mỹ tiếp tục không kích các mục tiêu IS... là những tin nóng.
TIN LIÊN QUAN |
Nổi bật
Theo hãng tin Reuters, hôm 25/9, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành triệu tập phiên họp quốc hội lần thứ hai trong năm nay, song nhà lãnh đạo Kim Jong Un không tham dự sự kiện này.
Trước đó, tờ Telegraph cho biết, sự vắng bóng của ông Kim trước công chúng trong gần 3 tuần qua đã gây ra những đồn đoán về sức khỏe của ông, cũng như sự ổn định của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: EPA) |
Tờ báo này nhận định, Hàn Quốc và các nước trong khu vực sẽ theo dõi cẩn thận xem liệu ông Kim có tới tham dự phiên họp của Quốc hội Triều Tiên diễn ra trong ngày 25/9 hay không.
Phiên họp này là lần đầu tiên ông Kim không tham dự kể từ khi ông nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên. Truyền hình Triều Tiên phát đi những hình ảnh cho thấy chiếc ghế của ông bị bỏ trống.
Như vậy tính từ hôm 3/9 cho đến nay, các cơ quan truyền thông chính thức của CHDCND Triều Tiên đã không hề đưa tin tức về bất kỳ sự xuất hiện nào của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
"Đã có rất nhiều thông tin nói rằng, ông Kim không được khỏe", ông Toshimitsu Shigemura, giáo sư thuộc trường Đại học Waseda ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đã nói với tờ Telegraph.
"Một đoạn video hồi tháng 7 và một video khác đầu tháng này đã cho thấy ông ấy đi khập khiễng", ông Shigemura cho hay. "Rõ ràng là ông ấy không thể bước đi nhanh, hay bước thẳng".
Tại kỳ họp trước diễn ra vào tháng 4, ông Kim đã tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban quốc phòng, còn cựu Đại sứ Triều Tiên ở Thụy Sỹ, ông Ri Su Yong, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng.
Tin vắn
- Hãng tin BBC cho biết, phiến quân thuộc tổ chức khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đang giam giữ ít nhất 3.000 phụ nữ và trẻ em người thiểu số Yazidi ở Iraq.
- Các chiến đấu cơ của Pháp hôm 25/9 đã tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, trong khi liên quân do Mỹ đứng đầu cũng tăng cường các cuộc không kích IS ở Syria.
- Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 25/9 tuyên bố để quốc tang ba ngày, sau khi công dân nước này Herve Gordel bị các phiến quân tại miền đông Algeria bắt cóc và chặt đầu.
- Nhật Bản sẽ xem xét lại hoặc có thể tiến hành gỡ bỏ những lệnh trừng phạt đối với Nga, nếu như Moscow có những hành động cụ thể, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
- Tổng thống Ukraina, ông Petro Poroshenko, ngày 25/9 cho biết, chính phủ của ông đang xem xét việc tạm thời đóng cửa biên giới với Nga, nhằm ngăn chặn "sự can thiệp" bên ngoài.
- Các nguồn tin an ninh Lebanon ngày 25/9 cho biết, lực lượng quân đội của nước này đã bắt giữ được khoảng 450 đối tượng, tình nghi là phiến quân Hồi giáo ở gần biên giới với Syria.
- Theo kênh truyền hình al-Manar ngày 25/9, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Adra al-Omalia tại phía đông bắc thủ đô Damascus, từ tay các phiến quân.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp ngày 25/9 thông báo, khả năng nước này tham gia cùng Mỹ không kích tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria hiện đang được bàn bạc.
- Lực lượng cảnh sát Anh ngày 25/9 cho biết đã bắt giữ được 9 nghi phạm trong chiến dịch chống các thành phần khủng bố có liên quan đến tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
- Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết mang tính bắt buộc về việc yêu cầu các quốc gia phải ngăn chặn công dân của mình tham gia thánh chiến ở Iraq và Syria.
- Ngày 25/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rời New Delhi tới New York bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Mỹ với mục tiêu chính là thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Tin ảnh
Miền bắc Syria tan hoang do những đợt không kích của liên quân nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo. (Ảnh: Getty) |
Phát ngôn
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án điều mà ông cho là "sự xâm lược" của Nga tại châu Âu.
"Sự xâm lược của Nga ở châu Âu gợi nhớ lại thời kỳ các nước lớn chà đạp những nước nhỏ để theo đuổi tham vọng lãnh thổ", ông cho hay.
Kỷ niệm
Ivan Petrovich Pavlov là nhà sinh lý học Nga vĩ đại. Ông sinh ngày 26/9/1849 trong một gia đình linh mục nghèo.
Năm 1904, ông là người Nga đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel dành cho công trình nghiên cứu sinh lý học.
Thanh Vân