Chi tiết của thỏa thuận mà các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đàm phán trước thời hạn chót 15/2 vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, theo thông tin rò rỉ cho báo chí, phe Dân chủ chỉ cấp 1,375 tỷ USD cho ông Trump xây tường biên giới và không đồng ý xây tường bê tông.
Tổng thống Donald Trump cầm ảnh thiết kế bức tường biên giới tại một cuộc họp ở Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters) |
Ngay sau khi được báo cáo ngắn gọn về thỏa thuận, ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter thông báo bức tường "sẽ được xây dựng như chúng ta đã nói". Ông khẳng định giữa thỏa thuận và "rất nhiều tiền từ các nguồn khác", chính quyền của ông sẽ nhận được "gần 23 tỷ USD" cho an ninh biên giới, đủ để xây phần lớn bức tường đã đề xuất và thực hiện các biện pháp khác nhằm ngăn chặn nạn xâm nhập trái phép vào Mỹ.
"Chúng tôi sẽ xây một bức tường lớn, đẹp và kiên cố", Tổng thống Mỹ khẳng định với các phóng viên tại Nhà Trắng. "Tôi chưa từng đùa giỡn về xây dựng. Tôi yêu thích xây dựng, và tôi biết cách làm nó với giá cả phù hợp".
Các tin quan trọng khác trong ngày 13/2:
- Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố Nga phản đối áp đặt các giải pháp từ bên ngoài đối với các cuộc xung đột chính trị nội bộ, như ở Syria hay Venezuela. Phát biểu họp báo, ông Lavrov nói: "Các bạn không thể áp đặt bất cứ điều gì, chúng ta cần tiến hành đối thoại toàn diện, ở Syria, Venezuela hoặc bất kỳ nơi nào khác".
- Ngoại trưởng Uruguay Rodolfo Nin Novoa tái khẳng định cam kết về một "giải pháp thông qua đàm phán" cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela, đồng thời từ chối công nhận thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido là "tổng thống lâm thời" của Venezuela.
- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ thông tin trên báo chí rằng các nhà ngoại giao nước này đã tiến hành đối thoại với phe đối lập chính trị của Venezuela nhằm bảo vệ đầu tư tại quốc gia Mỹ Latinh.
- Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng, đàm phán thương mại giữa nước ông với Trung Quốc đang tiến triển tốt đẹp, giữa lúc hai bên đang cố đạt được thỏa thuận giải quyết tranh cãi thương mại hiện nay.
- Hàn Quốc và Nga ký kết kế hoạch hành động trong 9 lĩnh vực nhằm tăng cường hợp tác song phương. Đại diện ký kết của hai bên là Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam Ki và Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev, cũng là phái viên của Tổng thống Nga phụ trách vùng Viễn Đông.
- Mỹ chuyển giao các tên lửa dẫn đường bằng laser trị giá hơn 16 triệu USD cho Lebanon nhằm chứng tỏ "cam kết vững chắc và lâu dài" của Washington đối với quân đội quốc gia Trung Đông này.
- Các công tố viên Liên bang Đức thông báo cảnh sát ở Berlin và bang Rhineland-Palatinate đã bắt hai công dân Syria do tình nghi thực hiện tội ác chống lại loài người, khi làm việc cho cơ quan tình báo ở Syria. Danh tính của hai đối tượng được xác định là Anwar R., 56 tuổi, và Eyad A., 42 tuổi.
- Hạ viện Tây Ban Nha bác bỏ dự thảo ngân sách năm 2019 do Thủ tướng Pedro Sanchez đệ trình - một động thái có thể buộc ông phải kêu gọi bầu cử sớm.
- Theo nguồn tin thuộc hệ thống hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga, Ấn Độ vừa đặt mua 21 máy bay chiến đấu MiG-29 của Moscow, có thể do gặp vấn đề với việc cung cấp máy bay Rafale từ Pháp vì mức giá quá cao.
- Ủy ban châu Âu (EC) cho biết vừa bổ sung Ảrập Xêút và Panama cùng một số chính quyền khác vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây đe dọa cho Khối, do sự kiểm soát lỏng lẻo về chống tài trợ khủng bố và rửa tiền.
- Cơ quan chức năng Nhật bắt đầu triển khai hoạt động kiểm tra nhiên liệu phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011. Đây là hoạt động chủ chốt trong nỗ lực thu dọn sau sự cố hạt nhân.
- Cảnh sát Kenya xác nhận 5 người nước ngoài thiệt mạng khi một máy bay hạng nhẹ rơi ở Kericho thuộc miền tây bắc Kenya trong ngày 13/2. Nguyên nhân được xác định do lỗi kỹ thuật.
Thanh Hảo