Đại dịch Covid-19
Tuần qua, tính từ ngày 12/11 đến sáng ngày 19/11, thế giới ghi nhận thêm 3.688.248 ca nhiễm mới cùng 51.291 ca tử vong mới. Mỹ, quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất trong đại dịch hiện có 48,3 triệu ca bệnh cùng hơn 789.000 ca tử vong.
Tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đang có những cải thiện khi số người đi tiêm chủng tăng cao. Cứ 1 trên 3 người trên 65 tuổi tại Mỹ đã được tiêm mũi tăng cường. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết sẽ xem xét yêu cầu của Pfizer Inc về việc cấp phép liều tăng cường vắc xin Covid-19 ở tất cả người trưởng thành sớm nhất có thể.
Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca tử vong do Covid-19 đã giảm 17% ở châu Mỹ trong 7 ngày qua, nhưng các quốc gia đông dân nhất như Mỹ, Brazil và Colombia đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới sau nhiều tuần có xu hướng giảm.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục đang khẩn trương ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới lan rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tăng cường các hạn chế, xét nghiệm trên diện rộng, nhìn chung, số ca nhiễm cộng đồng tại nước này đang giảm dần.
Hàng loạt các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nhật Bản… đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong đại dịch.
Tuần qua, Indonesia, nơi từng là tâm dịch Đông Nam Á, ghi nhận trung bình 300- 350 ca/ ngày. Số ca tử vong trong ngày của Indonesia cũng ở mức dưới 20 ca/ ngày.
Nhật Bản có những ngày không ghi nhận ca tử vong mới vì Covid-19. Trong khi đó, Hàn Quốc liên tục đối diện với tình trạng trên 3.000 ca nhiễm/ ngày, khiến nước này phải thắt chặt hạn chế và xem xét lại kế hoạch mở cửa toàn diện, sống chung với Covid-19.
Châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm và số cả tử vong tăng lên đều đặn. Ngày 18/11, Đức ghi nhận 64.164 ca, cao nhất trong khu vực, cũng là kỷ lục tại quốc gia này kể từ khi dịch bùng phát.
Một loạt các quốc gia khác như Hà Lan, Hy Lạp, Pháp… ghi nhận số ca nhiễm tăng cao chưa từng có. Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp đặt lại lệnh phong tỏa một phần trên toàn quốc. Anh mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường cho người từ 40 – 49 tuổi, đồng thời giảm khoảng cách tiêm xuống còn 5 tháng sau mũi thứ 2, thay vì 6 tháng như trước kia.
Nhiều quốc gia châu Âu áp đặt hạn chế với những người chưa tiêm vắc-xin, như không được tham gia các hoạt động cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ không thiết yếu. Tại Áo, những người này không được đi ra ngoài trừ khi có lý do đặc biệt.
Nga vẫn liên tục ghi nhận những kỷ lục mới về số ca tử vong trong đại dịch, là một trong những quốc gia thường xuyên ghi nhận hơn 1.000 ca không qua khỏi trong 24 giờ.
Hãng dược Pfizer cho biết sẽ chuyển quyền sản xuất thuốc kháng virus điều trị Covid-19 cho các nhà sản xuất khác, nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp tiếp cận được thuốc nhanh hơn với chi phi hợp lý.
Một số quốc gia như Indonesia, Philippines đã phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Novavax.
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung
Tối ngày 15/11 (giờ Mỹ) , Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Theo Reuters, Chủ tịch Tập cho biết rất vui khi gặp lại Tổng thống Biden, người ông gọi là “người bạn cũ”. Trong cuộc họp, 2 nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh trách nhiệm của họ với thế giới là làm sao để tránh xung đột.
Đối với tôi, trách nhiệm của chúng tôi, với tư cách là nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ, là đảm bảo sự cạnh tranh giữa 2 quốc gia chúng tôi không trở thành xung đột, dù là có chủ ý hay ngoài ý muốn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định 2 bên cần tăng cường giao tiếp và hợp tác để giải quyết nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng, 2 nhà lãnh đạo đã không đưa ra các cam kết cụ thể hay thay đổi lập trường, quan điểm về các vấn đề giữa đôi bên.
Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử thứ 3
Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố bản nghị quyết lịch sử gồm 36.000 chữ, được thông qua tại hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi tuần trước tại Bắc Kinh. Nghị quyết lịch sử nói về nguồn gốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những thành tựu chính và kinh nghiệm trong 100 năm nỗ lực, đề cập tới chiến lược đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Nghị quyết khẳng định, ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo nòng cốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc và "tư tưởng Tập Cận Bình” là kim chỉ nam chính cho Trung Quốc trong những thập niên tới.
Căng thẳng biên giới Ba Lan - Belarus
Ngày 16/11, bạo lực bùng lên ở biên giới Ba Lan và Belarus khi người di cư ném đá vào lính biên phòng Ba Lan và lực lượng này dùng vòi rồng và hơi cay để đáp trả. Belarus nhấn mạnh, phía Ba Lan kích động trước, sử dụng thiết bị đặc biệt chống lại người không có vũ khí ở phía Belarus.
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan trở nên căng thẳng từ ngày 8/11, khi vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời đi, một số người tìm cách lọt vào lãnh thổ của Ba Lan và phá các hàng rào thép gai.
Đánh bom xe khủng bố ở Liverpool, Anh
Vào ngày 14/11, một chiếc taxi đã phát nổ bên ngoài Bệnh viện Phụ nữ Liverpool, Anh. Nghi phạm mang khối thuốc nổ đã thiệt mạng trong xe, trong khi tài xế thoát ra ngoài và chỉ bị thương nhẹ.
Cảnh sát Anh đã tuyên bố đây là một hành vi khủng bố. Giới chức Anh cũng cho biết nghi phạm là Emad Al Swealmeen, 32 tuổi. Động cơ của vụ việc vẫn đang được điều tra.
Gần 200 nước thông qua hiệp ước khí hậu
Gần 200 quốc gia đã chính thức đi tới một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. Thỏa thuận kêu gọi các nước cắt giảm 45% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2010, và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, nhằm thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C .
Các nước phát triển cũng đồng ý tăng ít nhất gấp đôi số tiền hỗ trợ cho các nước đang phát triển để thích ứng với những tác hại liên quan tới khí hậu vào năm 2025.
VietNamNet TV
Lãnh đạo Mỹ - Trung khẳng định không muốn biến cạnh tranh thành xung đột
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố mục tiêu của ông là đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước "không biến thành xung đột".
Bóng đen Covid-19 phủ châu Âu, nhiều hạn chế với người chưa tiêm vắc-xin
Hàng loạt nước tại khu vực châu Âu như Đức, Anh, Pháp vẫn tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt.