Diễn biến đại dịch Covid-19
Từ ngày 14/1 đến sáng ngày 21/1, thế giới ghi nhận thêm 22.370.223 ca nhiễm mới (tăng từ 320.676.412 ca lên 343.046.635 ca). Số ca tử vong cũng tăng thêm 54.681 ca (tăng từ 5.538.502 lên 5.593.183 ca).
Châu Mỹ đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm mạnh chưa từng có. Theo tổ chức Liên minh Y tế Mỹ (PAHO), châu Mỹ đã ghi nhận thêm 7,2 triệu ca nhiễm mới chỉ trong tuần qua.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trung bình mỗi ngày quốc gia này ghi nhận khoảng 700.000 ca mắc mới và gần 3.000 ca tử vong vì Covid-19. Theo báo cáo từ Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm được ghi nhận tại Mỹ trong vòng một tháng qua chiếm ¼ tổng số ca nhiễm tại quốc gia này.
Biến thể Omicron đang là biến thể thống trị tại đất nước. Theo CDC Mỹ, hơn 74% số mẫu giải trình tự gen là biến thể Omicron. Tờ New York Times đưa tin, số ca nhập viện tại Mỹ hôm 16/1 đã lập kỷ lục 142.388 ca. Tỷ lệ nhập viện trung bình trong bảy ngày là 132.086 ca/ ngày, tăng 83% so với hai tuần trước.
Một quốc gia khác trong khu vực châu Mỹ cũng đang đối mặt nguy cơ lớn là Brazil khi nước này đã xô đổ kỷ lục hôm 19/1 với hơn 200.000 ca mắc mới.
Cũng như châu Mỹ, châu Âu đang chìm trong làn sóng lây nhiễm chưa từng có. Trong đó, Pháp đang là ổ dịch nóng nhất tại khu vực này. Trong 3 ngày liên tiếp 19, 20, 21/1, số ca mắc mới tại quốc gia này luôn vượt ngưỡng 400.000 ca.
Để ứng phó với tình hình này, chính phủ Pháp đã yêu cầu người dân phải trình chứng nhận tiêm chủng mới được phép vào các nhà hàng, quán bar, bảo tàng hay tham gia các phương tiện giao thông công cộng.
Trong khi đó, tại Đức, số ca nhiễm mới cũng liên tục phá kỷ lục. Đỉnh điểm, nước này đã chạm đỉnh vào ngày 20/1 với hơn 134.000 ca nhiễm mới. Viện Robert Koch (RKI) về bệnh truyền nhiễm của Đức cho biết, tỷ lệ ca nhiễm tại quốc gia này đang ở ngưỡng kỷ lục trong 7 ngày qua. Theo đó, cứ 100.000 người Đức thì có 528,2 người dương tính với Covid-19, trong khi tỷ lệ này vào tuần trước chỉ là 375,7 người.
Các quốc gia khác như Anh, Italia, Tây Ban Nha cũng liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới vượt mốc 100.000 ca mỗi ngày.
Trước tình hình này, hầu hết các quốc gia trong khu vực EU đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Italia yêu cầu tất cả các du khách phải trình xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh, còn Tây Ban Nha yêu cầu những du khách Anh phải được tiêm chủng đầy đủ mới được phép nhập cảnh.
Tại khu vực châu Á, điểm nóng tiếp tục là Ấn Độ khi quốc gia này ghi nhận hơn 300.000 mắc mới trong ngày 19 và 20/1 – mức tăng cao nhất trong vòng 8 tháng qua.
Ủy ban bầu cử của Ấn Độ đã gia hạn lệnh cấm đối với các cuộc mít tinh chính trị và các cuộc vận động cử tri do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
Các chuyên gia của Ấn Độ cho biết mặc dù tỷ lệ nhập viện thấp song nước này có thể hứng chịu toàn bộ tác động mạnh mẽ nhất từ làn sóng lây nhiễm này trong vòng 2-3 tuần tới.
Nhật Bản cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ lớn khi số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục. Ngày 20/1, Nhật Bản chạm đỉnh với hơn 39.000 ca nhiễm mới. Chính phủ nước này đã mở rộng các biện pháp hạn chế ra toàn thủ đô Tokyo và hàng chục khu vực khác.
Theo Reuters, hơn một nửa dân số Nhật Bản sinh sống trong những khu vực đang thực hiện các biện pháp hạn chế này.
Cũng giống như Nhật Bản, Philippines cũng đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng phi mã. Nước này đã xô đổ kỷ lục hôm 15/1 với hơn 38.000 ca nhiễm mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines cảnh báo, số ca mắc mới tại quốc gia này có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tới.
Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nước này đã phóng tên lửa dẫn đường chiến thuật vào ngày 17/1.
Đây là vụ thử vũ khí thứ 4 của Triều Tiên trong năm 2022, nêu bật sự phát triển của các chương trình tên lửa mà nước này đang theo đuổi trong bối cảnh đàm phán giải trừ hạt nhân bị đình trệ.
Hai vụ thử trước của Triều Tiên liên quan đến các tên lửa siêu thanh và một vụ thử nữa là cặp tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) phóng từ các toa tàu.
Mỹ đã lên tiếng phản đối và áp đặt trừng phạt đối với Triều Tiên sau loạt vụ phóng tên lửa mới.
Phía Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ hơn.
Ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo sẽ coi tất cả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng", đồng thời khẳng định quân đội nước này có thể phát hiện và ngăn chặn chúng.
Căng thẳng Nga - Mỹ vì Ukraina
Ngày 15/1, Thứ trưởng Nuland tiết lộ Mỹ có sẵn 18 "kịch bản khác nhau" để hành động nếu Moscow xâm lược quốc gia láng giềng Ukraina, hứa hẹn sẽ giáng "đòn đau" vào Nga nếu nước này có động thái như vậy.
Ngày 19/1, các binh sĩ Nga đã tiến hành cuộc tập trận chiến thuật ở vùng Rostov, gần biên giới với Ukraina.
Cũng trong ngày này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ukraina nhằm thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề an ninh của Ukraina.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đã cam kết viện trợ quân sự cho Kiev trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công từ Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo, dù Nga có ưu thế vượt trội Ukraina về sức mạnh quân sự, nhưng nếu chiến tranh xảy ra, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng buộc Moscow và nền kinh tế Nga phải "trả giá đắt", kể cả ngăn chặn các ngân hàng Nga giao dịch bằng đồng USD.
Thương chiến Mỹ - Trung
Ngày 20/1, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông chưa sẵn sàng dỡ bỏ các mức thuế đã áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc vì Bắc Kinh đã không thực hiện những lời hứa mà họ đã đưa ra trong giai đoạn 1 đã hết hạn vào cuối năm 2021.
Phía Trung Quốc kêu gọi Mỹ sớm dỡ bỏ các thuế quan bổ sung để đảm bảo lợi ích cơ bản của người tiêu dùng và nhà sản xuất ở cả Trung Quốc và Mỹ, đồng thời cho rằng động thái này sẽ có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Serbia-Australia đấu khẩu vụ trục xuất Djokovic
Chiều ngày 16/1, chánh án tòa án thành phố Melbourne tuyên bố giữ nguyên quyết định của Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke về việc hủy visa đối với Djokovic.
Điều này đồng nghĩa anh bị trục xuất và không thể tham dự giải Australia Mở rộng.
Thủ tướng Serbia, Tổng thống nước này cùng gia đình của Novak Djokovic chỉ trích Australia trục xuất tay vợt vì không tiêm phòng Covid-19 là "đáng hổ thẹn".
Trước đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic lên án giới chức Australia "tự làm nhục mình" khi trục xuất Djokovic.
Nhóm tàu tác chiến Mỹ diễn tập ở Biển Đông
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu tấn công đổ bộ USS Essex đã hoàn tất việc diễn tập ở Biển Đông vào ngày 16/1.
Các hoạt động huấn luyện của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu tấn công đổ bộ USS Essex gồm tấn công tổng hợp trên biển, tác chiến chống tàu ngầm, các hoạt động điều hướng, điều động đội hình.
Mục đích của những hoạt động này nhằm tăng cường việc sẵn sàng chiến đấu, cũng như nâng cao khả năng tương tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Núi lửa phun trào ở Tonga gây sóng thần
Giới chức quốc đảo Tonga ở Nam Thái Bình Dương hôm 15/1 đã phải phát cảnh báo sóng thần, khi một núi lửa ngầm dưới biển phun trào.
Cục Khí tượng Australia cho biết đã ghi nhận một đợt sóng thần cao 1,2m ở gần thủ đô Nuku’alofa của Tonga lúc 5h30 chiều 15/1 (giờ địa phương).
Trong khi đó, Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã quan sát được sóng thần cao 83cm tại Nuku’alofa và ở Pago Pago, thủ phủ của Samoa thuộc Mỹ.
Quốc vương Tonga và người dân nước này đã nhanh chóng sơ tán đến những khu vực cao hơn, sau khi nước biển tràn vào thành phố.
Theo đài NHK của Nhật Bản, sóng thần cũng đã đã tấn công bờ biển Nhật Bản.
Mức sóng cao nhất quan sát được là 1,2m tại đảo Amami Oshima, thuộc tỉnh Kagoshima vào lúc 11h55 đêm 15/1 và 1,1m tại cảng Kuku, tỉnh Iwate.
VietNamNet TV
>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet
Giới chức Serbia đồng loạt lên án Australia trục xuất Djokovic
Thủ tướng Serbia, Tổng thống nước này cùng gia đình của Novak Djokovic chỉ trích Australia trục xuất tay vợt vì không tiêm phòng Covid-19 là "đáng hổ thẹn".
Hình ảnh nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu tấn công đổ bộ USS Essex đã hoàn tất việc diễn tập ở Biển Đông vào ngày 16/1.