Tăng trở lại sau chuỗi 9 phiên giảm

Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trở lại và chấm dứt 9 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, mặt hàng kim loại quý vẫn ở quanh vùng đáy 6 tháng và được dự báo chưa có nhiều tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Trên thế giới, trong phiên giao dịch đầu tuần 9/10, giá vàng tăng trở lại ngưỡng 1.850 USD/ounce sau khi rớt xuống ngưỡng 1.810 USD/ounce vào cuối tuần trước. Trong tuần cuối tháng 9, giá vàng còn ở trên ngưỡng 1.900 USD/ounce. Hồi đầu tháng 5, giá vàng thậm chí ở mức trên 2.050 USD/ounce.

Mặc dù vàng thế giới vừa trải qua hơn 2 tuần giảm mạnh nhưng giá vàng miếng SJC trong nước vẫn ở mức cao, hướng tới ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, mức cao nhất kể từ đầu năm. Tính tới chiều ngày 9/10, giá vàng SJC lên mức 69,7 triệu đồng/lượng (chiều bán ra).

Giá vàng trong nước tăng nhanh trở lại theo sự hồi phục của giá vàng quốc tế và tốc độ tăng giá của đồng USD với đồng nội tệ VND.

Tỷ giá USD/VND hôm 9/10 trên thị trường tự do tăng vọt thêm 100 đồng so với cuối tuần trước, lên ngưỡng 24.580 đồng (mua) và 24.650 đồng/USD (bán). Trên hệ thống ngân hàng, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt sau khi tăng khá mạnh trong tuần trước. Giá bán USD tại Vietcombank chiều 9/10 giảm 5 đồng so với cuối tuần trước, xuống còn 24.545 đồng/USD.

vang hhok2.jpg
Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm, trong nước vẫn trên đỉnh lịch sử. (Ảnh: HH)

Hiện, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 13,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 9/10.

Với xu hướng hồi phục của vàng thế giới và tỷ giá USD/VND vẫn căng thẳng, giá vàng SJC trong nước có thể sẽ lên trở lại mức trên 70 triệu USD/lượng giống như hồi đầu tháng 5.

Giá vàng thế giới đang được hỗ trợ khá mạnh nhờ USD vẫn ở mức cao và cuộc xung đột giữa lực lượng Israel và Hamas trở nên căng thẳng và khó lường. Hôm 7/10 lần đầu tiên trong lịch sử, các chiến binh Hamas từ Dải Gaza bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel. Bất ổn chính trị đã khiến nhu cầu tăng cao đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng thỏi.

Vàng liệu đã xuống đáy, và sớm tăng trở lại?

Nhiều dự báo gần đây cho rằng, giá vàng thế giới đã giảm quá đà và sẽ sớm đảo chiều tăng trở lại cho dù đồng USD còn mạnh trước khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài.

Trên Kitco, một số nhà phân tích cho rằng, thị trường vàng có thể chứng kiến “chút ánh sáng cuối đường hầm” sau khi mặt hàng kim loại quý xuống mức thấp nhất nhất trong 7 tháng hôm 6/10.

Michael Moor, nhà sáng lập Moor Analytics, cho rằng mặc dù thị trường vàng vẫn trong giai đoạn điều chỉnh giảm giá nhưng giới đầu tư đang kiểm tra mức độ suy giảm nghiêm trọng và dòng tiền thăm dò tiềm năng tăng giá của thị trường.

Hiện, vàng vẫn được xem là chịu ảnh hưởng chủ yếu từ biến động của đồng USD và lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Tuần trước, USD đã lên mức cao nhất trong 10 tháng giữa bối cảnh lãi suất Mỹ ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ: 5,25-5,5%/năm. Lãi suất Mỹ gần đây dược CEO JP Morgan Jamie Dimon dự báo có thể lên tới 7%/năm - mức cao nhất 33 năm.

Dù USD vẫn treo ở mức rất cao và có thể tăng tiếp trong ngắn hạn nhưng nước Mỹ được dự báo sẽ buộc phải đảo chiều chính sách tiền tệ sau khi đã tăng lãi suất kỷ lục trong gần năm rưỡi qua và ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào một đợt khủng hoảng.

Vàng cũng được hỗ trợ từ những bất ổn định chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới cũng như căng thẳng thương mại-tiền tệ Mỹ-Trung và sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý từ ngân hàng trung ương nhiều nước trên phạm vi toàn cầu.

Chiến lược gia trưởng thị trường của SIA Wealth Management - Colin Cieszynski cho rằng, vàng đã trở nên quá bán về mặt kỹ thuật và dường như đang ổn định vững ở mức 1.820 USD.

Khả năng rơi trở lại xuống mức 1.800 USD/ounce vẫn còn, nhưng theo chuyên gia này, những biến động địa chính trị khó lường có thể khiến mức giá hiện tại là điểm hấp dẫn để mua vào. Do vậy, vàng ít có khả năng giảm sâu hơn nữa.