- Năm 2015, những cải cách vươn tới chuẩn mực quốc tế trong môi trường kinh doanh đã và sẽ mang lại niềm tin mạnh mẽ cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng: Áp lực cạnh tranh khốc liệt của hội nhập sẽ thúc đẩy hình thành một thế hệ doanh nhân mới, sáng tạo và nhân văn vì cộng đồng.

Cải cách mang đến niềm tin lớn

Thưa ông, ông cảm thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh như thế nào trong năm tới?

Ông Vũ Tiến Lộc: Năm 2015 là năm khởi đầu cho rất nhiều chính sách mới tác động trực tiếp tới đời sống kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng chỉ dấu quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là lần đầu tiên Chính phủ căn cứ vào xếp hạng của các tổ chức quốc tế để làm mục tiêu phấn đấu cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính phủ áp đặt lên cải cách thể chế kinh tế một chuẩn mực của quốc tế, ở đây là mức ASEAN- 6 chứ không phải là thứ chuẩn mực do mình tự đặt ra như trước đây. Điều này đã chạm đúng nỗi băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội các kỳ họp trước đây: Việt Nam định vị ở đâu trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu?

Rõ ràng, Nghị quyết 19 của Chính phủ là một công nghệ mới trong cải cách. Các động thái đó đã và sẽ mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

{keywords}

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ở ngưỡng cửa vào năm 2015 này, đó là niềm tin vào khả năng kiểm soát của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, tin vào giai đoạn mới của cải cách thể chế. Từ đó, sẽ tạo nên một làn sóng mới đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hình thành một thế hệ doanh nhân mới ở Việt Nam.

Thưa ông, ông còn băn khoăn điều gì ở thế hệ doanh nhân ngày nay?

Chặng đường đầu tiên của đổi mới, dù ta đã nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường nhưng nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, tận dụng cơ hội, lao động rẻ và thể chế chưa minh bạch.

Chính điều đó đã tạo nên một thế hệ doanh nhân, một phong cách kinh doanh còn dựa nhiều vào quan hệ, bóc ngắn cán dài, thiếu bài bản và chuyên nghiệp.

Có lẽ vì thế, chúng ta có một lực lượng đông đảo doanh nghiệp nhưng lại chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp theo đúng nghĩa. Ở các nền kinh tế thị trường khác, doanh nhân trưởng thành trên nền tảng cạnh tranh và sáng tạo thì ở Việt Nam, vẫn chưa nhiều doanh nhân như vậy.

Chúng ta đã có một số doanh nghiệp lớn, thành công nhưng vẫn thuộc quy mô vừa và nhỏ so với thế giới và đặc biệt chưa có được những thương hiệu lớn, chưa có những công nghệ dẫn đầu. Họ chỉ lớn về quy mô nhưng chưa thực sự có thương hiệu tầm cỡ thế giới. Điều này sẽ là một bất lợi khi hội nhập sâu rộng đã gần kề.

Ông có lo ngại, doanh nhân Việt Nam sẽ bị thất bại trên thương trường quốc tế trong không gian kinh tế mới này?

Những năm trước đây, thị trường còn đóng cửa, sân nhà còn khá rộng để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mà không chịu nhiều áp lực cạnh tranh.

Nhưng tới đây, sân nhà của chúng ta không còn là 90 triệu dân, mà là 600 triệu dân của Cộng đồng kinh tế ASEAN mở thông với thế giới. Chúng ta còn dự kiến kết thúc đàm phán, ký kết 6 Hiệp định thương mại FTAmới, đáng chú ý nhất là cuộc chơi TPP với Mỹ và EVFT với châu Âu.

Áp lực cạnh tranh khốc liệt đã đến cổng từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, chính áp lực này sẽ thúc đẩy hình thành một thế hệ doanh nhân mới ở Việt Nam. Đó là những doanh nhân kinh doanh với tầm nhìn toàn cầu, vươn tới chuẩn mực thế giới. Sức bật của nền kinh tế sẽ dựa trên sự đổi mới, sáng tạo, chứ không còn dựa trên tài nguyên, lao động rẻ và quan hệ.

{keywords}
Nhiều kỳ vọng của giới doanh nghiệp

Đến giờ phút này, chúng ta không thể "mặc cả" với các chuẩn mực này được nữa, không còn lý do nào để chậm trễ mà buộc phải vận động, bứt phá.

Ngay ở tầm Chính phủ, trước đây còn có ý kiến đặt vấn đề "đặc thù" của Việt Nam, nhưng giờ, Chính phủ cũng đã chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng rồi.

Nhân văn mới đủ

Thưa ông, triết lý kinh doanh dựa trên sáng tạo đổi mới, tất cả cùng win-win theo ông đã đủ chưa?

Như một lẽ tất yếu, cộng đồng kinh doanh quốc tế đang thay đổi với những trào lưu và quan niệm mới về kinh doanh.

Kinh doanh là làm ra lợi nhuận thông qua phụng sự xã hội. Một doanh nghiệp chiến thắng trên thương trường, được đề cao trong cộng đồng, không phải là chỉ vì sản phẩm chất lương tốt, giá cả phù hợp mà còn là ở đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Nói cách khác, doanh nhân, doanh nghiệp ấy phải thật nhân văn. Quá trình sản xuất phải bảo đảm không gây tổn hại đến môi trường, chăm lo tốt cho đời sống người lao động, không sử dụng chất độc hại hay sử dụng lao động trẻ em...

Cộng đồng người tiêu dùng giờ đây sẽ sẵn sàng tẩy chay những sản phẩm, những doanh nghiệp ích kỷ, vì lợi nhuận mà gây tổn hại đến cộng đồng.

Tuy nhiên, tôi cảm giác các doanh nghiệp Việt chưa chú ý nhiều điều này, hoặc họ chưa có đủ năng lực để làm việc này. Giống như các ngôi sao nổi tiếng, doanh nhân là người của xã hội.

Thưa ông, nhiều hội thảo gần đây nói rằng, có đến 60-80% doanh nghiệp Việt Nam còn thơ ơ với hội nhập, thậm chí, chẳng biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo ông, lỗi nằm ở đâu?

Nhiều doanh nhân nói ra điều này như thể trách cứ là Chính phủ đã không cung cấp thông tin. Trong thời đại internet, chỉ cần gõ lên Google là có được nhiều thông tin cơ bản về hội nhập. Doanh nghiệp phải chủ động kiếm tìm và học hỏi.

Nếu ai nói rằng, không biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN thì có lẽ, họ không đọc, không nghệ, họ không phải là doanh nhân. Bởi vì, hiểu biết về chính sách, pháp luật, nắm bắt cơ hội, hạn chế rủi ro là việc của doanh nhân. Chẳng có cách nào khác ngoài việc chính các doanh nhân phải chịu khó đọc, và học.

Nhân cách quan trọng lắm. Vẫn có những doanh nhân Việt mang bệnh phô trương quá.

Trong khi đó, những doanh nhân tên tuổi trên thế giới thường đều là những nhân cách lớn, như Bill Gate đã quyết định 95% tài sản để lại cho xã hội, không phải cho con cháu. Bao giờ, họ cũng gương mẫu với xã hội, họ chừng mực, giản dị.

Trong giai đoạn tới, doanh nhân Việt cần phải định vị lại mình. Phải xác định lại giá trị nền tảng, coi trọng nhân cách, cúh ý tính chuyên nghiệp, đặc biệt là phải chịu khó học.

Tôi hi vọng, cải cách và áp lực hội nhập, Viêt Nam sẽ có những doanh nhân lớn, nhân cách lớn, sẵn sàng hiến kế phát triển đất nước, làm đại sứ kinh tế, chăm lo từ thiện, thay vì chỉ quan tâm mỗi lợi nhuận của riêng mình.

Phạm Huyền (thực hiện)