Công nghệ mới cho thế hệ mới
Năm 2020, một ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã chính thức cho ra mắt ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam - TNEX, với mục tiêu nhắm đến thị trường giới trẻ thuộc thế hệ Millennial (sinh năm 1980 đến năm 1994) và Gen Z (sinh năm 1995 đến năm 2010). Dân số Gen Z của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 15 triệu người vào năm 2025.
Ứng dụng ngân hàng số với khả năng tích hợp tất cả các nhu cầu tài chính của họ vào một ứng dụng, có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng miễn phí hàng ngày cho các cá nhân và doanh nghiệp, khiến cho việc tiếp cận và sử dụng rất dễ dàng.
Công nghệ ngân hàng điện toán đám mây được ngân hàng số sử dụng giúp tiết kiệm thời gian triển khai, tốn ít chi phí và cho phép đưa các dịch vụ, sản phẩm mới ra thị trường nhanh chóng chỉ trong vài tuần, thay vì nhiều năm mà công nghệ ngân hàng lõi truyền thống yêu cầu.
Những lợi ích chính này cho phép các ngân hàng, nhà cung cấp ví điện tử và công ty viễn thông phục vụ khách hàng với chi phí hiệu quả hơn, từ đó, cho phép họ cung cấp dịch vụ với ít chi phí hay miễn phí cho người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể thu hút được lượng khách hàng lớn hơn, đặc biệt là những phân khúc khách hàng vốn đã bị loại trừ ra khỏi các dịch vụ tài chính chính thức theo truyền thống.
Ngân hàng số đang là mảnh đất đầy tiềm năng tại Việt Nam (Ảnh: Tuyết Bùi) |
Tại Việt Nam, việc không yêu cầu người sử dụng trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng để đăng ký, thay vào đó, cung cấp các sản phẩm ngân hàng thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp ngân hàng số ngày càng được ưa chuộng hơn, đặc biệt là thế hệ Millennial và Gen-Z, những người mong muốn có cuộc sống chỉ thông qua vuốt màn hình điện thoại thông minh.
Việc tiếp tục tăng trưởng trong áp dụng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng điện toán đám mây tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà cung cấp ví điện tử, Mobile Money chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc hòa nhập tài chính trong nước và cần được khuyến khích, hỗ trợ bởi các tổ chức tài chính, nhà cung cấp công nghệ, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trên toàn quốc.
Ngân hàng số đang là mảnh đất đầy tiềm năng tại Việt Nam, bằng chứng là giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng 75,2% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Mua sắm trực tuyến cũng đã tăng trưởng theo cấp số nhân, được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến trong quý II năm 2020.
Các sản phẩm tài chính mới trên nền tảng điện toán đám mây do các công ty fintech và ngân hàng cung cấp đang cách mạng hóa các dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Các sản phẩm này có thể được tung ra nhanh hơn và tiết kiệm chi phí đáng kể so với các sản phẩm ngân hàng truyền thống; đồng thời, cho phép nhà cung cấp đáp ứng kịp thời với sự thay đổi kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng nhờ vào ưu điểm nhanh nhạy và linh hoạt vốn có.
Ngân hàng điện toán đám mây hướng đến tài chính toàn diện
Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang là một trong những nước dẫn đầu nền kinh tế Đông Nam Á, với nền kinh tế số được dự đoán đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Ngay từ trước đại dịch Covid-19, giới trẻ hiểu biết về kỹ thuật số đã rất hào hứng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt, thông qua các ứng dụng ví điện tử, mã QR và các dịch vụ mới đang dần trở nên phổ biến của các fintech.
Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam (Ảnh: Tuyết Bùi) |
Tuy nhiên, không phải toàn bộ dân số đều có thể bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng này. Việt Nam hiện vẫn có mức độ tài chính toàn diện chính thức thấp, với 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng trong năm 2020, nhưng gần một nửa trong số đó không tiếp cận được với tín dụng. Hơn nữa, trong khi nhiều khu vực của Việt Nam có tỷ lệ truy cập internet và sở hữu điện thoại thông minh tương đối cao, nhưng người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người sống dưới mức nghèo vẫn đang thiếu các dịch vụ kết nối thiết yếu này.
Tăng cường tài chính toàn diện được coi là giải pháp chung trên toàn cầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm bất bình đẳng thu nhập và xóa đói giảm nghèo.
Để đạt được mục tiêu này, vào đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó có mục tiêu là đến cuối 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng và các tổ chức dịch vụ tài chính được cấp phép khác.
Chiến lược này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản phù hợp, như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, tài khoản tiết kiệm và tín dụng.
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy tài chính toàn diện là sự thay đổi nhanh chóng và những giải pháp công nghệ sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Những giải pháp công nghệ mới, sáng tạo đang thay đổi toàn cảnh dịch vụ tài chính ở Việt Nam bao gồm các hình thức thanh toán trực tuyến mới, như ví điện tử đã đạt tốc độ tăng trưởng phi thường trong khu vực; các sản phẩm ngân hàng số kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu và công nghệ điện toán đám mây nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tất cả đều thông qua điện thoại thông minh.
Chính phủ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng tạo ra những động lực đáng kể trong việc thay đổi mức độ tài chính toàn diện. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money trong hai năm, cho phép thanh toán các giao dịch nội địa giá trị thấp thông qua điện thoại di động. Với tỷ lệ thuê bao điện thoại di động gần 100% trong nhiều năm, việc cho phép thanh toán qua điện thoại di động chắc chắn sẽ kích thích hơn nữa nền kinh tế không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tài chính cho hàng triệu người.
Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam