Theo Tech in Asia, anh Marlon - một tài xế làm việc cho Grab ở Philippines, anh có thể kiếm được khoảng 1.000 peso (19,09 USD) mỗi ngày nếu giao 15 chuyến hàng. Nhưng chi phí nhiên liệu tăng cao đang ăn mòn thu nhập của anh Marlon.

Chi phí nhiên liệu cho một ngày giao hàng của anh vào khoảng 300 peso, cao hơn 67% so với mức trung bình 180 peso trước khi giá xăng tăng mạnh.

Anh Marlon không phải tài xế công nghệ duy nhất bị giảm thu nhập vì chi phí nhiên liệu tăng cao. Họ mong nhận được sự trợ giúp của các hãng gọi xe công nghệ như Grab, GoTo và công ty giao đồ ăn như Foodpanda.

Tuy nhiên, bản thân những gã khổng lồ công nghệ này cũng đang chật vật để thoát lỗ, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và tìm cách thu hút thêm người dùng.

Hang goi xe cong nghe anh 1

Chi phí nhiên liệu tăng cao bào mòn thu nhập của các tài xế công nghệ, đẩy những công ty công nghệ vào thế khó. Ảnh: Bloomberg.

Tìm cách thu hẹp khoản lỗ

Cuối tháng trước, Bloomberg đưa tin GoTo Group đã báo cáo khoản lỗ ròng 6.470 tỷ rupiah (tương đương 444 triệu USD) trong quý I, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021. GoTo là sự kết hợp giữa 2 công ty công nghệ hàng đầu của Indonesia - gã khổng lồ gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia.

Giá cổ phiếu của tập đoàn nhanh chóng lao dốc 3,8% xuống 302 rupiah/cổ phiếu sau thông tin.

GoTo đang tìm cách thuyết phục các nhà đầu tư về triển vọng sinh lời của mình, bất chấp những bất ổn xoay quanh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, lạm phát và lãi suất tăng vọt đè nặng lên ngành công nghiệp toàn cầu.

Trong đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào năm nay, công ty đã huy động được 1,1 tỷ USD. Nhưng đến nay, cổ phiếu của GoTo đã mất giá trị khoảng 10% so với thời điểm IPO.

Theo các chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, CEO Andre Soelistyo cần làm nhiều hơn để trấn an giới đầu tư về tiềm năng sinh lời của công ty. GoTo đang phải chi tiêu mạnh tay để thu hút người dùng và cạnh tranh với những đối thủ như Grab.

Hang goi xe cong nghe anh 2

GoTo Group báo cáo khoản lỗ ròng 444 triệu USD trong quý I/2022, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Bloomberg.

Doanh thu của Grab đã tăng lên 228 triệu USD trong quý I nhờ vào doanh thu từ Jaya Grocer - nền tảng mà gã khổng lồ gọi xe mua lại hồi tháng 1. Tuy nhiên, doanh thu từ mảng gọi xe của Grab lao dốc 22% xuống còn 112 triệu USD vào quý trước.

Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh chủ chốt duy nhất chứng kiến doanh thu lao dốc của Grab. Doanh thu từ dịch vụ giao hàng tăng 70% lên 91 triệu USD, còn doanh thu của dịch vụ tài chính tăng 21%, đạt 11 triệu USD.

Dù đã được thu hẹp, khoản lỗ ròng của Grab vẫn còn khoảng 435 triệu USD. Công ty đang chật vật để đạt lợi nhuận sau nhiều năm chi mạnh tay cho cuộc chiến giành thị phần.

Gã khổng lồ gọi xe Đông Nam Á đã gặp khó sau khi niêm yết trên sàn Mỹ thông qua SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) hồi tháng 12 năm ngoái. Khoản lỗ ròng tăng cao, cùng với đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ toàn cầu, tạo sức ép lớn lên giá cổ phiếu của công ty.

Grab đang lên kế hoạch giảm bớt các chương trình ưu đãi nhằm thu hút tài xế. Giống nhiều công ty công nghệ khác, Grab gặp khó trong việc cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư, người tiêu dùng và người lao động.

Rơi vào thế khó

Trong quý I, tổng ưu đãi dành cho các tài xế và cửa hàng đối tác trong phân khúc giao hàng của Grab lên tới 169 triệu USD, tăng 44% so với 117 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

Còn ở phân khúc gọi xe, tổng giá trị ưu đãi dành cho tài xế và đối tác của Grab lên tới 47 triệu USD, cao gấp đôi so với 22 triệu USD một năm trước đó.

Trong cuộc họp cổ đông vào quý I, nhà đồng sáng lập, CEO Anthony Tan của Grab đã trình bày kế hoạch nhằm giải quyết khoảng cách giữa nhu cầu di chuyển tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt tài xế.

Một phần của kế hoạch là tăng cường ưu đãi cho các tài xế công nghệ. Tuy nhiên, ông Tan cho rằng khi nguồn cung trên thị trường gọi xe ổn định hơn trong nửa cuối năm 2022, ưu đãi đối với tài xế cũng sẽ giảm dần.

"Chúng tôi đang tập trung vào việc đạt được những mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững", Nikkei Asian Review dẫn lời ông Tan khẳng định.

Giới quan sát cho rằng đó là những gì mà nhà đầu tư muốn nghe. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến nhiều tài xế công nghệ thất vọng.

"Thu nhập của tôi không còn như trước. Việc trang trải cuộc sống trở nên khó khăn hơn", anh Marlon, tài xế Grab ở Philippines, than thở.

"Tôi mong rằng Grab sẽ trao cho chúng tôi những ưu đãi lớn hơn. Điều đó có thể giúp ích rất nhiều", anh Mark, một tài xế khác của Grab, chia sẻ.

Ngoài các thị trường Đông Nam Á, Didi - gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc - cũng lao đao vì Bắc Kinh siết chặt giám sát và ảnh hưởng của đại dịch.

Doanh thu quý IV/2021 của Didi đã lao dốc 13%, giảm từ mức tăng trưởng 200% trong quý I năm ngoái. Didi là một trong những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp nước này.

Ứng dụng gọi xe của Didi đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc. Hãng cũng phải ngừng đăng ký người dùng mới và hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Gã khổng lồ gọi xe cũng chịu tác động nặng nề khi thị trường gọi xe của Trung Quốc đi xuống vì ảnh hưởng của đại dịch. Theo các nhà phân tích của Bernstein, trong tháng 3 và tháng 4, số lượt gọi xe tại nước này đã lao dốc lần lượt 30% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các lệnh phong tỏa và yêu cầu chống dịch gắt gao tại những thành phố lớn. Nhưng các hoạt động vẫn không thể nhanh chóng trở lại bình thường.

"Didi sẽ phải chi mạnh tay hơn để thúc đẩy nhu cầu khi cuộc sống trở lại bình thường", các nhà phân tích nhận định.

(Theo Zing)

Vì sao ngày càng nhiều tài xế công nghệ bỏ việc?Từ thu nhập không ổn định, bị vắt kiệt sức vì làm việc ngoài giờ, cho đến chi phí nhiên liệu tăng cao, ngày càng nhiều tài xế công nghệ bỏ việc hoặc làm ít đi.