Sau lần đầu được góp mặt năm 2019, Thể thao điện tử (eSports) mới đây đã có lần thứ 2 trở thành một bộ môn thi đấu chính thức tại SEA Games. Trọng trách càng nặng nề hơn với Thể thao điện tử Việt Nam khi năm nay chúng ta tham gia với tư cách là nước chủ nhà.
Theo Ban Tổ chức, bộ môn Thể thao điện tử tại SEA Games 31 có tổng cộng 485 vận động viên đến từ 10 nước tham gia. Các vận động viên so tài ở 8 tựa game, 10 nội dung thi đấu với 10 bộ huy chương.
Tổng cộng, đã có 101 trận đấu vòng bảng và 140 trận đấu vòng chung kết diễn ra liên tục trong gần 2 tuần. “Cầm cân nảy mực” cho những cuộc so tài này là đội ngũ 70 trọng tài quốc tế.
Chia sẻ về những dấu ấn tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm nay, ông Nguyễn Xuân Cường – Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cho biết, để phục vụ cho công tác tổ chức thi đấu bộ môn Thể thao điện tử, Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã phải hoạt động hết công suất với 5 không gian thi đấu cùng lúc. Nhiều sàn đấu được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn Olympic.
Theo ông Cường, để có được thành công đó, Lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đã cùng vào cuộc với sự nhất trí cao của các doanh nghiệp như GARENA, VNG, VTC, VNPT, VIETTEL.
Song song với việc tổ chức các trận thi đấu và nơi ăn chốn ở cho các vận động viên, nội dung các trận đấu eSports tại SEA Games 31 cũng được truyền tải đến khán giả các nước Đông Nam Á với sóng sạch hoặc phần bình luận bằng tiếng Anh.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, lượng người xem các trận đấu eSports tại SEA Games năm nay rất lớn. Ở một vài nước, lượng người theo dõi thậm chí còn nhiều hơn cả các trận đấu bóng đá.
Sau khi dự khán một vài trận đấu, bà Low Yen Ling - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên & Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà.
Bà Low Yen Ling ấn tượng với sàn đấu có ánh sáng nhấp nháy rực rỡ thay đổi theo mỗi nhịp hành động và sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả khi theo dõi trận đấu được trình chiếu trên màn hình lớn.
Có mặt để cổ vũ đội tuyển Thể thao điện tử Thái Lan thi đấu tại SEA Games 31, ông Chaiwut Thanakamanusorn - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan cho rằng, Thể thao điện tử không chỉ là một môn thể thao mà còn tạo ra một nghề nghiệp mới và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.
“Bộ môn này sẽ tạo ra một cơ hội phát triển mới nếu chúng ta phát huy đúng cách và theo kịp sự thay đổi”, ông Chaiwut Thanakamanusorn nói.
Trong kỳ Đại hội năm nay, Việt Nam đứng nhất toàn toàn đoàn ở bộ môn Thể thao điện tử với 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường – Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, kết quả thi đấu đã đạt được sẽ giúp ngành này tự nhìn lại và đánh giá được thực lực của mình cũng như các nước bạn, qua đó có kế hoạch tuyển chọn, bồi dưỡng vận động viên cho các giải đấu tiếp theo, trong đó có ASIAD 2022, SEA Games 2023...
Việc tổ chức thành công giải đấu eSports tại SEA Games 31 cũng góp phần vào việc thay đổi nhận thức chung của xã hội về Thể thao điện tử.
Vận động viên Thể thao điện tử giờ đây đã là một nghề chuyên nghiệp với đầy thách thức nhưng cũng nhiều vinh quang. Muốn phát triển sự nghiệp đường dài, các vận động viên cần có đủ kiến thức văn hóa, thể lực, tâm lý và kỹ năng thi đấu.
Ông Cường hy vọng, thông qua kỳ SEA Games này, đông đảo giới trẻ sẽ ý thức được rằng, đi theo con đường vận động viên chuyên nghiệp là không dễ dàng. Từ đó, các bạn có sự lựa chọn cân bằng trong học tập, lao động, giải trí nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp.
"Đó cũng là mục đích cuối cùng của mọi bộ môn thể thao", Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nói.
Trọng Đạt