“Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại- đây là niềm tự hào chung của 10 tỉnh có di sản Then- nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái.
Theo Cục Di sản văn hóa Việt Nam, Then là thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (là các Ông Then, Bà Then) đi từ Mường Đất lên Mường Trời, dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho người dân trong đời sống, sản xuất, sức khỏe...
Cho đến ngày nay, nguồn gốc của Then vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, căn cứ vào dấu vết của Then, có thể thấy đây là loại hình thực hành tín ngưỡng đã có từ lâu đời. Trong quan niệm dân gian của cộng đồng Tày, Nùng, Thái, hát Then được xem là "điệu hát thần tiên". Nghệ thuật diễn xướng chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.
Vào các dịp Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm... Khi thực hành nghi lễ, người hát Then không thể thiếu các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn tính được coi là nhạc cụ mang “hồn” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh...
Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích mà Thầy Then sẽ bày mâm lễ và đọc lời khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như: Kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà Thầy Then. Thầy Then mặc lễ phục vừa hát tiếng dân tộc mình, vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa.
Thực hành Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ, các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao kỹ năng, bí quyết liên quan, một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then một năm.
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang và một số địa phương khác ở nước ta. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.
Di sản Then của 11 tỉnh đã lần lượt được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) duy trì và cập nhật danh mục kiểm kê. Các địa phương có di sản Thực hành Then phối hợp với đại diện cộng đồng và các nghệ nhân liên quan cập nhật danh mục kiểm kê.
Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đức Yên, Ánh Tuyết, Bạt Tuấn