Trung bình, Việt Nam gánh chịu thiệt hại trực tiếp về tài sản khoảng 2,4 tỷ USD hàng năm, tương đương 0,8% GDP do các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Nếu chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển bền vững.
Chú trọng hơn vào số hóa, xanh hóa, sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả vật chất và tinh thần.
Đó là chặng đường dài, cần hành động ngay từ lúc này. Sau đại dịch, cơ cấu kinh tế của nước ta tiếp tục chuyển dịch tích cực, được đẩy mạnh theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trở nên phổ biến trong các ngành, lĩnh vực, địa phương, gia tăng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Theo kết quả tính sơ bộ của Bộ Thông tin truyền thông, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2022 là 14,26%, tỷ trọng kinh tế số trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đạt khoảng 8,47%.
Các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh được đẩy mạnh. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển.
Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng, chuyển dần từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa như thương mại và thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử, giáo dục đào tạo trực tuyến... hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng cao.
Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam đang hướng tới.
Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững.
Đến nay, Việt Nam đã và đang có các chiến lược tăng trưởng xanh như Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh "xanh" là chiến lược và lợi thế cạnh tranh như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải.
Lộ trình tăng trưởng xanh phía trước còn rất dài và cả thế giới văn minh đã cùng cam kết lên đường. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều thách thức khó khăn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội với vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.