Thí sinh có được lợi do thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển luôn được cập nhật? Liệu có thể xảy ra tình trạng thí sinh ào ào đi nộp hồ sơ ở các trường còn ít hồ sơ đăng ký xét tuyển?

TIN BÀI KHÁC

Ảnh: Lê Anh Dũng

Quyền lợi của thí sinh

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 3/3, ông Ngô Kim Khôi, phó Vụ trưởng phụ trách Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng: Những thay đổi, điều chỉnh, bổ sung năm nay theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Thí sinh có nhiều cơ hội được xét tuyển và trúng tuyển hơn. Các trường xét tuyển được thí sinh có kết quả thi cao, nâng cao chất lượng đầu vào.

Ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH: Với quy định này, các trường có sức hút lớn đối với thí sinh sẽ nhiều cơ hội tuyển thí sinh chất lượng hơn. Nhưng các trường tốp dưới cũng có cơ hội nhận những thí sinh bị kẹt ở các trường tốp trên về cho mình. Nếu quy định cứng thì thí sinh có điểm cao có thể vẫn trượt mà trường tốp dưới cũng không thể nhận được họ.

Về vấn đề công khai thông tin hồ sơ xét tuyển, ông Khôi cho biết, phần mềm được nâng cấpcho máy tính phù hợp với những sửa đổi, bổ sung của quy chế tuyển sinh, tích hợp phần xét tuyển kéo dài, công bố trong phần mềm. Các trường nhập dữ liệu vào phần mềm hằng ngày và kết nối với trang web của trường để công bố. Trên cơ sở đó các trường làm biên bản, thống kê số liệu rất thuận lợi...

Việc này không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh và khai giảng vì các trường có thêm thời gian thống kê, xử lý việc xét tuyển.

Cả thí sinh lẫn nhà trường có thể "bị hại"?

Nhiều trường nhận thấy đây là cơ hội tốt để thu hút thí sinh, đồng thời cho thí sinh có cơ hội sửa sai.

Trên báo Thanh niên, thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: “Những thay đổi này giúp TS có nhiều cơ hội hơn, Các em sẽ sử dụng được tối đa quyền của mình trong lựa chọn ngành nghề và trường học."

Tuy nhiên, đại diện một số trường ĐH lo ngại là việc công khai thông tin về hồ sơ xét tuyển sẽ ảnh hưởng đến tâm lý TS. Kèm theo đó, việc rút hồ sơ của TS sẽ gây lộn xộn và sai sót cho việc quản lý hồ sơ của nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam (trưởng phòng Đào tạo, ĐHBK TP.HCM) lo ngại:” Nếu TS nộp đều đặn thì tốt, nhưng nếu nhiều TS có tâm lý đợi tới giờ chót mới nộp hồ sơ thì việc thay đổi này sẽ không có giá trị gì."

Khả năng mất sinh viên là mối lo lớn nhất của hầu hết các trường. Ông Nam giả định: "Đặt trường hợp có trường nào đó thời gian đầu lượng hồ sơ về quá nhiều khiến tâm lý của TS lo ngại và rút hết hồ sơ hoặc ngược lại ban đầu số hồ sơ quá ít và thời gian cuối sẽ đổ xô về trường đó thì cũng như không”.   

 Cùng chung một lo ngại, Th.S Đinh Việt Hải - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự đoán:  Đến ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển, khi các trường công bố thông tin mà số hồ sơ vượt quá chỉ tiêu một chút là có thể xảy ra tình trạng TS đồng loạt đến rút hồ sơ. Khi ấy nhà trường sẽ lại thiếu chỉ tiêu.

Bà Ngô Thị Mỹ Lan - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hoa Sen nêu ý kiến: “TS nên bình tâm xem xét, từ từ nộp đơn, để tránh cảnh chạy đôn chạy đáo nộp hết trường này đến trường khác và để đỡ rắc rối cho các trường”.

Ông Duy thông tin: Không giới hạn số lần rút hồ sơ, nhưng thí sinh chỉ được quyền rút và nộp hồ sơ trong thời gian quy định.

Theo ông Ngô Kim Khôi , những quy định cụ thể, điều kiện thí sinh nào được phép rút hồ sơ ĐKXT sau khi đã nộp và hoàn lại chi phí sẽ do chính hiệu trưởng của trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: nhận hồ sơ, cập nhật thông tin,...Việc có hoàn lại chi phí hay không là tùy thuộc vào quy định của từng trường.

Các trường sẽ phải theo đúng kế hoạch tuyển sinh của Bộ quy định, không được phép kết thúc việc thu nhận hồ sơ sớm hơn dự định.

Nguyễn Hường (Tổng hợp)